Gia tăng tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dân tộc trên nền tảng thương mại điện tử
Việc tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dân tộc trên nền tảng thương mại điện tử giúp nông sản rộng mở đầu ra và nâng cao giá trị.
Đa dạng giải pháp hỗ trợ bà con
Tại Toạ đàm Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn An Sơn - Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương chia sẻ, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ nông sản, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về trình độ phát triển thương mại điện tử.
Đến nay, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Postmart, Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử.
Ông Phạm Thành Nam - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công thương tỉnh Trà Vinh ghi nhận, một trong số những hoạt động có thể kể đến là cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về thương mại điện tử cho bà con tại các vùng dân tộc thiểu số, giúp cho các địa phương tăng cường phổ biến các thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích cho người dân sử dụng thương mại điện tử.
Thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã đẩy mạnh phát triển các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại địa chỉ travinhtrade.com.vn. Hiện nay, các trang thông tin, sàn thương mại điện tử của Trà Vinh cập nhật hơn 150 doanh nghiệp và 750 sản phẩm các loại, gồm hàng trăm sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và 300 sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai liên kết sàn giao dịch giữa các tỉnh. Hiện đã liên kết được 18 tỉnh trong khu vực miền Đông và khu vực miền Tây, như: Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… để hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối cung cầu và tìm kiếm thị trường hàng hóa.
Ngoài hoạt động kết nối cung cầu, tỉnh còn tham gia các gian hàng trực tuyến của Lazada, Tiki, TikTokshop…; đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP 3 - 4 sao tại thị trường này, hỗ trợ sản phẩm OCOP 5 sao tham gia gian hàng của các sàn thương mại điện tử quốc tế.
Tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử
Ông Nguyễn An Sơn phân tích, có thể thấy giữa các thành phố lớn và địa phương có một sự chênh lệch rõ rệt, từ nhiều yếu tố trong thương mại điện tử. Ví dụ như trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, rồi hạ tầng liên quan đến logistics, rõ ràng là việc mà vận chuyển một đơn hàng từ các thành phố xung quanh Hà Nội về Hà Nội sẽ dễ hơn so với việc là từ khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số xuống các thành phố lớn. Đây là những khó khăn và trong các khó khăn thì sẽ liên quan nhiều đến cả hạ tầng thanh toán, rồi các quy mô về dân số.
“Việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua các nền tảng thương mại điện tử mới chỉ dừng ở việc quảng bá, giá trị bán hàng còn thấp” - ông Nguyễn An Sơn nhấn mạnh.
Nêu khó khăn thực tế tại địa phương trong tiếp nhận và phát triển thương mại điện tử, ông Phạm Thành Nam cho rằng, cũng như nhiều địa phương, khó khăn ở Trà Vinh hiện nay đa phần là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và việc ứng dụng công nghệ thông tin của một số doanh nghiệp còn rất thấp. Sản phẩm làm ra không được đồng chất với nhau, có khi chất lượng chưa hài hoà, đồng đều, chủ yếu tiêu thụ bằng phương pháp truyền thống. Đây là những điểm yếu mà địa phương cũng đang tập trung hỗ trợ và thuyết phục bà con thực hiện Chương trình ứng dụng thương mại điện tử.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Huyền - Trưởng phòng Kinh doanh Online - Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (chủ đầu tư sàn thương mại điện tử Postmart.vn) chia sẻ, trong quá trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản tươi thì vấn đề logistics luôn là một bài toán rất là nhức nhối.
Nếu nông sản tươi của bà con đáp ứng được sản lượng như vải Bắc Giang thì bài toán về logistics rất dễ. Nhưng mà với những sản phẩm nông sản mà sản lượng nhỏ và thời gian bảo quản ngắn thì lúc đó khâu vận chuyển sẽ rất khó.
Nên là trong bài toán tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản tươi thì câu chuyện logistics đặt ra là khi kể cả đã có một chuỗi logistics rất hoàn thiện từ khâu đóng gói, đến bảo quản rồi nhưng cũng vẫn phải chọn lựa làm sao để sản phẩm đó đáp ứng được đặc tính là rủi ro thấp nhất có thể.
Sắp tới, Đề án về logistics cho nông sản tươi sẽ được Bưu điện Việt Nam triển khai trong năm 2024 cũng nằm trong nhiệm vụ hỗ trợ này. Khi chúng tôi mở dịch vụ này, chúng tôi sẽ có sự chung tay góp sức của 63 đơn vị Bưu điện tỉnh. Khi có 63 Bưu điện tỉnh chung tay góp sức với Bưu điện Việt Nam thì hiệu quả mang lại sẽ là cao nhất. Hy vọng rằng, sang năm 2024, dự án này sẽ được triển khai và lúc đó tôi nghĩ bài toán logistics sẽ được giải quyết và mang lại hiệu quả hỗ trợ tốt nhất cho bà con nông dân.
Đối với Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung vào việc làm sao giải quyết được khó khăn liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và vấn đề hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, Cục cũng tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng thương mại điện tử cũng như công nghệ số cho các tỉnh, thành, địa phương. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, cũng như là nâng cao các kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử tại các địa phương.
Ngoài ra, liên tục tổ chức các chương trình để tiêu thụ nông sản địa phương. Ví dụ như Chương trình mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử quốc gia Go Online và tổ chức, các gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử tại địa phương. Xa hơn nữa, sẽ tổ chức ứng dụng các quy trình, những giải pháp liên quan đến hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử tại thị trường, trước hết là thị trường Mỹ và thị trường ở Trung Quốc.