A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông sản Việt nối tiếp nhau xuất ngoại

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại quả tươi sang Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Các loại quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô).

Tại thị trường Trung Quốc, hiện nay cũng có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào nước này, gồm Thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đồng ý phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và sầu riêng.

Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh.

Câu chuyện của trái bơ

Dẫn nguồn ihsmarkit.com, theo báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 của OECDFAO, trên thị trường toàn cầu, trái bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn, vượt qua dứa và xoài. Trong đó, Mê-hi-cô là thị trường sản xuất và xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới, dự báo sản lượng bơ của Mê-xi-cô tăng trưởng bình quân 5%/năm trong vòng 10 năm tới.

Xuất khẩu trái bơ của Mê-hi-cô tăng là nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh tại Hoa Kỳ, thị trường tiêu thụ chính trái bơ của Mê-hi-cô. Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia khác, Mê-hi-cô dự kiến sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng xuất khẩu trái bơ trên toàn cầu lên 63% vào năm 2030. 

Trong đó, Hoa Kỳ và EU là thị trường xuất khẩu chính trái bơ của Mê-hi-cô. Tỷ trọng nhập khẩu bơ của Hoa Kỳ dự kiến chiếm 40% và EU chiếm 31% tổng trị giá nhập khẩu trái bơ trên toàn cầu vào năm 2030. Bên cạnh đó, nhập khẩu trái bơ cũng đang tăng nhanh ở nhiều thị trường khác như ở Trung Quốc và một số nước ở Trung Đông.

Trái chuối được nhiều thị trường ưa chuộng

Tại thị trường Đài Loan: Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, 5 tấn chuối của thị trường Đài Loan xuất khẩu tới Nhật Bản để phục vụ cho Thế vận hội Tokyo. Uỷ ban Olympic của Nhật Bản cũng xem xét cả dứa, thanh long và xoài của thị trường Đài Loan, nhưng cuối cùng chỉ tập trung vào trái chuối và dứa. Do thời kỳ thu hoạch dứa vừa kết thúc, nên chỉ có trái chuối được lựa chọn vào thị trường Nhật Bản. 

Trong những năm qua, xuất khẩu chuối của thị trường Đài Loan sang Nhật Bản đã tăng gấp ba lần từ 1.000 tấn lên 3.000 tấn một năm và kỳ vọng của thị trường Đài Loan xuất khẩu chuối sang thị trường Nhật Bản sẽ đạt 10.000 tấn. Xuất khẩu trái cây của thị trường Đài Loan sang Nhật Bản tăng mạnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đối với trái dứa của thị trường Đài Loan vào tháng 3/2021, với lý do phát hiện ra sâu bọ có hại.

Cơ hội cho nông sản Việt

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong quý II/2021 đạt 1,06 tỷ USD, tăng 22,3% so với quý II/2020. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,03 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều nơi trên cả nước. Nhờ việc điều hành hoạt động xuất khẩu linh hoạt từ phía cơ quan chức năng, nên không còn tình trạng ùn ứ, đặc biệt tại các cửa khẩu.

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong nửa cuối năm 2021 có nhiều thuận lợi như: Mùa nhãn lồng mới bắt đầu ở Việt Nam và lô nhãn lồng Sơn La đầu tiên đã xuất khẩu tới Hà Lan.

Lô nhãn lồng Sơn La đầu tiên đã được phân phối ngay sau khi thông quan cho một số cửa hàng thực phẩm châu Á tại các nước Hà Lan, Bỉ, Pháp và Anh.

Tại thị trường Úc, quả nhãn tươi Việt Nam có ưu thế khi có thể cung cấp quanh năm. Trước đây, Australia nhập khẩu nhãn từ Thái Lan, nhưng đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam do giá cạnh tranh hơn, chất lượng được cải thiện nhiều. Mặc dù có nhiều thuận lợi để tăng trưởng, nhưng hàng rau quả cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Cụ thể là thị trường Trung Quốc, thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, đang bị tình trạng lũ lụt nên ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và tiêu thụ mặt hàng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng khiến cước phí vận chuyển tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng rau quả của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

Về thị trường

Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng chủng loại hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu tới các châu lục vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt trong quý II/2021, cụ thể: Trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới các thị trường trong khu vực châu Á trong quý II/2021 đạt 848,98 triệu USD, tăng 16,2% so với quý II/2020; tiếp theo là châu Âu đạt 88 triệu USD, tăng 40,3%; châu Mỹ đạt 86,1 triệu USD, tăng 71,4%...

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường trong khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 1,67 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 82,4% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường châu Âu đạt 152 triệu USD, tăng 22,6%; châu Mỹ đạt 133,1 triệu USD, tăng 40,6%...

Về chủng loại

Quả và quả hạch là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng rau quả của Việt Nam. Trong quý II/2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 741 triệu USD, tăng 26,4% so với quý II/2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu quả và quả hạch tới khu vực châu Á đạt 643,6 triệu USD, tăng 19,3% so với quý II/2020; châu Mỹ đạt 44,5 triệu USD, tăng 193,9%; châu Âu đạt 36,7 triệu USD, tăng 58,4%; châu Đại Dương đạt 12,9 triệu USD, tăng 47,5%; châu Phi đạt 3,34 triệu USD, tăng 13.225,8%. Tiếp theo là chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu trong quý II/2021 đạt 244,5 triệu USD, tăng 19,9% so với quý II/2020. 

Chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu chủ yếu tới khu vực thị trường châu Á đạt 109,9 triệu USD, tăng 16,6% so với quý II/2020. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu hàng quả và quả hạch chiếm 70,2% tổng trị giá xuất khẩu, tiếp theo là sản phẩm chế biến chiếm 21%. Còn lại các chủng loại như rau củ, hoa và lá.

Thị phần của rau quả Việt Nam

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu hàng rau quả (mã HS 06,07, 08 và 20 trừ đi mã 080131 và 080132) của thế giới trong quý I/2021 đạt 70,1 tỷ USD, tăng 5% so với quý I/2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới.

Về thị trường nhập khẩu: Thị trường EU: EU là thị trường nhập khẩu hàng rau quả (Mã HS 06,07,08 và 20, trong đó mã HS08 trừ đi mã 080131 và 080132) lớn nhất trên thế giới, trong quý I/2021 nhập khẩu mặt hàng này của EU đạt 32,48 tỷ USD, tăng 7,3% so với quý I/2020. Tỷ trọng nhập khẩu của EU trong quý I/2021 chiếm 46,3% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả trên thế giới.

Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,2% vẫn còn quá thấp, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đẩy mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất, bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Việc giảm thuế theo EVFTA sẽ giúp hàng rau quả của Việt Nam có lợi thế rất lớn để tiến vào thị trường châu Âu.

Thị trường Hoa Kỳ: Thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu hàng rau quả trong quý I/2021 đạt 13,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ chiếm 18,9% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả trên thế giới. Trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,6% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ, như vậy thị trường Hoa Kỳ vẫn còn có rất nhiều tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, Hoa Kỳ vẫn nhập khẩu tới 14,1 tỷ USD trái cây, tăng nhẹ so với năm 2019. Năm 2021, nhờ kiểm soát dịch bệnh và gói kích thích kinh tế lớn, nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi rõ rệt và mức chi cho thực phẩm của người dân tăng hơn, nhờ vậy, cơ hội xuất khẩu rau quả vào thị trường này là rất lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại quả tươi sang Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Các loại quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô).

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái cây tươi sang Hoa Kỳ cũng gặp các khó khăn như: Sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang ở Hoa Kỳ hay tại Mê-hi-cô và các nước Nam Mỹ có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam, cũng như sản phẩm của các nước châu Á khác và sản phẩm thay thế được trồng ngay tại Hoa Kỳ. 

Do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao nên giá thành trái cây của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh. Quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất kỹ càng và cẩn thận.

Thị trường Trung Quốc: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới, với trị giá nhập khẩu trong quý I/2021 đạt 5,27 tỷ USD, tăng 32,3% so với quý I/2020, chiếm 7,5% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả thế giới. Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam chiếm 6,8% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc trong quý I/2021, giảm 2,4 điểm phần trăm so với quý I/2020.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bao gồm: Thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đồng ý phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và sầu riêng. 

Thị trường Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng. Yêu cầu này bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả các quốc gia. Để xuất khẩu bền vững sang thị trường lớn này, cần đẩy mạnh xây dựng các mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Thị trường Anh: Anh là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 4 trên thế giới trong quý I/2021, đạt 4,04 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Anh trong tổng nhập khẩu của thế giới giảm từ mức 6,2% trong quý I/2020, xuống còn 5,8% trong quý I/2021. Tuy nhiên, cho đến nay, thị phần hàng rau của của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh ở mức rất thấp. 

Trong quý I/2021, mặc dù nhập khẩu hàng rau quả của Anh từ Việt Nam tăng, nhưng thị phần hàng rau quả của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh chỉ chiếm 0,1%. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh sẽ mang lại cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp rau quả. 

Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với Anh. Cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã tham gia, UKVFTA mang lại không ít cơ hội nhưng cũng song hành cùng nhiều thách thức. Cũng giống như EU, Anh kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các sản phẩm hóa chất dùng trong sản phẩm nông nghiệp.

Nông sản nhập khẩu chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hóa chất dưới ngưỡng tối đa cho phép (MRL) đối với từng loại sản phẩm. Để có thể mở rộng thị phần tại Anh, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam phải đáp ứng một cách bền vững các quy định pháp luật của Anh về an toàn vệ sinh thực phẩm, giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu thấp, kiểm dịch thực vật, giống cây biến đổi gien, khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng... 

Thị trường Nhật Bản: Nhật Bản là một thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng của Việt Nam khi đây là một trong 10 thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn trên thế giới. 

Trong quý I/2021, nhập khẩu hàng rau quả của Nhật Bản đạt 2,21 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu của Nhật Bản trong tổng nhập khẩu của thế giới quý I/2021 chiếm 3,1%. Mặc dù đây là thị trường tiềm năng, nhưng thị phần hàng rau quả của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản mặc dù đã cải thiện so với cùng kỳ năm 2020, nhưng cũng chỉ chiếm 1,8% trong quý I/2021. 

Hiện nay Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chuối, xoài, thanh long và vải sang Nhật Bản. Nhu cầu của thị trường Nhật Bản cho các loại quả tươi này là rất lớn, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Do đó đây là thị trường nhiều tiềm năng đối với ngành rau quả Việt Nam.

Tuy nhiên, Nhật Bản là quốc có yêu cầu cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là thách thức đối với ngành hàng rau quả của Việt Nam. 

Theo các quy định của Nhật Bản, các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm rau quả được yêu cầu rất cao, đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng và dư lượng hóa chất nông nghiệp. Nếu bị phát hiện có các dư lượng vượt quá mức cho phép, sau đó các sản phẩm này sẽ bị giám sát rất chặt chẽ. 

Các mặt hàng khi đến thị trường Nhật Bản không thể thiếu bởi người Nhật đưa ra 5 yếu tố (5S) gần như đã thành quy chuẩn gồm: sạch sẽ, sàng lọc, cắt bỏ những thứ không cần thiết, môi trường trong sạch và để đồ đạc ngăn nắp.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website