Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% trong 2 tháng 2024
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,0% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%).
Thị trường hàng hóa sôi động
Tháng 02 năm 2024 trùng với thời gian trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn nên thị trường hàng hóa sôi động hơn so với tháng thường. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng không cao như mọi năm và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị khá chu đáo và sớm, cùng với đó thời tiết thuận lợi đã hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đa dạng nên đã giữ giá hàng hóa thực phẩm những ngày cận Tết tương đối ổn định. Các hàng hóa phục vụ Tết khác như bánh, mứt, kẹo tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do chi phí đầu vào tăng, nguồn cung hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thị trường nhìn chung bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 02/2024 ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 22,6%; may mặc tăng 20,8%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,4%; du lịch lữ hành tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,0% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 798,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 18,1%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 16,5%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có mức tăng khá như: Quảng Ninh tăng 10%; Hải Phòng tăng 9,3%; Đà Nẵng và Đồng Nai cùng tăng 7,2%; Bình Dương tăng 6,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9%.
Về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước dịp Tết Nguyên Đán 2024, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất của ngành Công Thương phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan: (i) Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; (ii) Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
- Bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn công tác làm việc với Sở Công Thương Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị Tết tại các địa phương, đồng thời đến kiểm tra thực tế tình hình cung ứng hàng hóa tại một số hệ thống phân phối trên địa bàn hai thành phố.
- Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương. Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố đã có chủ trương huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động.
Với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn, xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn do sự tiện lợi của loại hình này cùng với việc nhà cung cấp có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Nhìn chung, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại từ ngày 1-2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân. Thị trường các mặt thực phẩm những ngày giáp Tết (từ 27-30 Tết) khá sôi động, sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các mặt hàng này chỉ tương đương so với Tết năm trước. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa; từ ngày mùng 2 Tết, sau thời gian nghỉ, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Giá các mặt hàng thực phẩm ổn định so với những ngày sát Tết và tăng nhẹ so với với ngày thường. Thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường. Từ ngày Mùng 4 Tết, hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống đều hoạt động bình thường; giá hàng hoá tại các siêu thị không đổi so với trước Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ cũng có xu hướng giảm trở lại về mức tương đương như ngày thường. Các loại hoa, quả vẫn giữ giá như trước Tết do nhu cầu đi lễ đầu năm.
Công tác đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu cho thị trường trong nước
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã thực hiện các biện pháp sau để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Nhằm đảm bảo cung cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: (i) Công văn số 687/BCT-TTTN ngày 30/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; (ii) Công văn số 688/BCT-TTTN ngày 30/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi thương nhân kinh doanh xăng dầu (sản xuất, đầu mối, phân phối) về việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; (iii) Công văn số 907/BCT-TTTN ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hỗ trợ hoạt động vận chuyển, cung ứng xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu:
- Thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 02 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp và Thông báo số 01/TB-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2024 của Bộ Công Thương thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các doanh nghiệp bảo đảm kế hoạch sản xuất cung ứng xăng dầu; Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký với Bộ Công Thương, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống...
- Đề nghị Sở Công Thương các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương, giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán hàng không có lý do, gây thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu cục bộ trên địa bàn... Nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn luôn đươc đảm bảo trong giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.