Ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Công Thương
Ngày 31 tháng 5 năm 2024, trên cơ sở đề nghị của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký duyệt Quyết định số 1320/QĐ-BCT ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp bộ của Bộ Công Thương (Quy chế). Đồng thời với việc ban hành Quy chế, Thông tư số 50/2014/TT-BCT và Thông tư số 37/2016/TT-BCT sẽ được thực hiện quy trình rà soát và kiến nghị bãi bỏ theo quy định.
1. Sự cần thiết ban hành, mục tiêu và quan điểm xây dựng Quy chế
Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành, nhằm phục vụ công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc thẩm quyền được phân công phụ trách, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 50/2014/TT-BCT ngày 15 tháng 12 năm 2014 quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN của Bộ Công Thương, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 37/2016/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2016. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Thông tư số 50/2014/TT-BCT (08 năm kể từ khi ban hành Thông tư số 37/2016/TT-BCT), công tác quản lý KH&CN của Bộ Công Thương đã dần đi vào nề nếp; hoạt động KH&CN ngành Công Thương được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Thông tư số 50/2014/TT-BCT và Thông tư số 37/2016/TT-BCT cũng đã cho thấy một số vướng mắc, chưa cập nhật và đồng bộ với các quy định có liên quan, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như hoạt động KH&CN ngành Công Thương.
Việc ban hành Quy chế nhằm mục đích tăng cường hiệu quả, hiệu lực và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp bộ của Bộ Công Thương; nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển, ứng dụng KH&CN của ngành Công Thương.
Quy chế đã được xây dựng dựa trên những quan điểm: (i) bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030; (ii) Đảm bảo tính phù hợp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là phù hợp với pháp luật về KH&CN, ngân sách nhà nước; (iii) Đơn giản hóa và không phát sinh các quy định phức tạp, không khả thi trong thực tế, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KH&CN.
2. Bố cục của Quy chế
Quy chế được kết cấu gồm 07 Chương với 43 Điều, cụ thể:
- Chương I. Quy định chung;
- Chương II. Đề xuất, xác định danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng;
- Chương III. Tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN;
- Chương IV. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN;
- Chương V. Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN;
- Chương VI. Đăng ký, lưu giữ, công bố và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN;
- Chương VII. Tổ chức thực hiện.
3. Một số điểm mới của Quy chế
- Quy định phạm vi điều chỉnh gồm nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp bộ của Bộ Công Thương theo các hình thức được quy định tại Điều 26 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP.
- Quy định nhiệm vụ KH&CN liên quan đến bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của Quy chế này và quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Trường hợp quy định về bảo vệ bí mật nhà nước khác với quy định tại Quy chế này thì thực hiện theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
- Bổ sung nội dung phần giải thích từ ngữ để thống nhất trong cách hiểu một số thuật ngữ.
- Bổ sung, thống nhất quy định về số lượng, thành phần, tiêu chí đối với Hội đồng tư vấn KH&CN, chuyên gia tư vấn độc lập; đổi mới, nâng cao trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn KH&CN.
- Chỉnh sửa, bổ sung quy định về đề xuất nhiệm vụ, xác định danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng. Trong đó bổ sung quy định về việc tra cứu thông tin nhiệm vụ KH&CN đã và đang thực hiện có liên quan đến đề xuất nhiệm vụ, nhằm tránh trùng lặp và nâng cao chất lượng, hiệu quả xác định nhiệm vụ KH&CN cấp bộ đặt hàng.
- Chỉnh sửa, bổ sung quy định về tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Trong đó: (1) quy định nhiệm vụ KH&CN có chứa bí mật nhà nước được giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân thực hiện; (2) chỉnh sửa, bổ sung quy định về việc mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đảm bảo tính khách quan, công bằng; (3) bổ sung quy định về việc thông báo kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN; (4) bổ sung quy định về việc hủy bỏ kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp.
- Chỉnh sửa, bổ sung quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Trong đó: (1) bổ sung quy định về việc hủy bỏ quyết định đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN; (2) quy định rõ về trình tự, thủ tục ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức liên quan; (3) bổ sung quy định về việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN; (4) chỉnh sửa, bổ sung quy định về các nội dung điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng các nhiệm vụ KH&CN.
- Bổ sung quy định về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN (theo quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 70/2018/NĐ-CP,...).
Chi tiết xem tại đây