Chủ động phối hợp với địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại lớn cấp vùng ở khu vực miền Nam
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại các tháng cuối năm 2024 và định hướng năm 2025 ở khu vực miền Nam, theo Cục Xúc tiến thương mại, các địa phương chủ động trong việc phối hợp với các địa phương và Cục xúc tiến thương mại triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại lớn cấp vùng, cấp khu vực góp phần hỗ trợ doanh nghiệp địa phương khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh những năm qua cũng như khó khăn về thị trường xuất khẩu nói chung.
Tại Hội nghị giao ban triển khai công tác xúc tiến thương mại khu vực miền Nam năm 2024 vừa tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, 8 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị và kinh tế...
Tuy nhiên, các đơn vị chủ trì đã tích cực chủ động nắm bắt công nghệ, đồng hành cùng Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại trong việc đổi mới xúc tiến thương mại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại; triển khai linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến, lựa chọn các nội dung xúc tiến thương mại phù hợp, khả thi để triển khai hiệu quả xúc tiến thương mại...
Các cơ quan xúc tiến thương mại thể hiện rõ sự chủ động, tích cực trong triển khai hoạt động xúc tiến thương mại được lãnh đạo địa phương, bộ, ngành đánh giá cao.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, tổng kết hoạt động xúc tiến thương mại khu vực Miền Nam 8 tháng đầu năm 2024, các hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại địa phương đã triển khai tổ chức và tổ chức tham gia gần 300 hoạt động, thu hút sự tham gia gần 2400 lượt doanh nghiệp.
Là đơn vị nòng cốt của Cục Xúc tiến thương mại trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường, tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thông qua các sự kiện hội chợ, triển lãm quy mô quốc tế lớn, có sức thu hút mạnh mẽ các nhà nhập khẩu nước ngoài, trong năm 2024, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Promocen) đã xây dựng kế hoạch tổ chức Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia 08 hội chợ triển lãm tại 02 thị trường châu Á (gồm Trung Quốc, Lào), 02 thị trường châu Âu (Pháp, Nga) 01 Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc và 01 sự kiện tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông sản, thực phẩm - lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Đại diện Promocen cho biết, các sự kiện nêu trên đều là những hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả việc giao lưu, hợp tác thương mại và đầu tư, mở rộng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Với việc duy trì tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sự kiện trong nhiều năm qua đã ghi nhận sự quan tâm của đông đảo các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm kỳ trước đều đánh giá tốt về công tác tổ chức và hỗ trợ của Bộ Công Thương, theo đó, nhiều doanh nghiệp cũng đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra trong việc phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng các kênh phân phối, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh việc chú trọng thực hiện các sự kiện kết nối giao thương trực tiếp cho doanh nghiệp, Promocen cũng tổ chức các Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu tại 6 vùng kinh tế trọng điểm, nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu.
Sau mỗi Hội nghị, Bộ Công Thương có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ kết quả tổ chức, tổng hợp ý kiến và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của Vùng.
Tại Hội nghị, các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam cũng đã được nghe giới thiệucác hoạt động xúc tiến thương mại lớn do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức năm 2024, bao gồm: Chuỗi các Chương trình xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu cấp Vùng; các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài và Hội chợ/sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước; Các chương trình Xây dựng thương hiệu sản phẩm, ngành hàng cho địa phương và doanh nghiệp miền Nam; Các chương trình, hoạt động Xúc tiến đầu tư phát triển Công thương; Các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại các tháng cuối năm 2024 và định hướng năm 2025, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, các cơ quan xúc tiến thương mại cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, báo cáo UBND địa phương ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại ở địa phương, triển khai đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1968/QĐ-TTg theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động trong việc phối hợp với các địa phương và Cục xúc tiến thương mại triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại lớn cấp vùng, cấp khu vực góp phần hỗ trợ doanh nghiệp địa phương khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh những năm qua cũng như khó khăn về thị trường xuất khẩu nói chung do ảnh hưởng của những bất ổn từ thị trường thế giới.
Về định hướng hoạt động xúc tiến thương mại năm 2025, Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các đơn vị tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở trong và ngoài nước; Thường xuyên cập nhật và cung cấp rộng rãi thông tin thị trường, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, xây dựng triển khai các chương trình nâng cao năng lực xúc tiến thương mại xanh cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn mới về thương mại xanh, tăng trưởng và phát triển xanh trên thế giới; Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước thâm nhập sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.