A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tận dụng nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại

Thông qua các Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu với sự quan tâm tham gia của các địa phương trong vùng, sự hợp lực về trí tuệ, nguồn lực đã giúp khai mở nhiều ý tưởng mới khai phá tốt hơn các hoạt động xúc tiến thương mại trong tương lai.

Những kết quả nhất định

Từ đầu năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tham mưu Bộ Công Thương phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng chủ trì tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Thông qua các Chương trình này, Bộ Công Thương trực tiếp tham gia đồng hành cùng các địa phương trên mỗi vùng kinh tế nhằm thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại với quy mô lớn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Đây cũng là một hướng đi mới của công tác xúc tiến thương mại trong năm 2024, là tiền đề cho các hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới. 

Tại Tọa đàm “Tận dụng nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại : do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 26/8, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, trong quá trình thực tiễn triển khai các công tác xúc tiến thương mại, những hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất đơn thương thì không thể hiệu quả bằng những hoạt động xúc tiến thương mại có sự hợp lực và quy mô. Với tinh thần luôn luôn năng động, sáng tạo, tìm ra những phương thức đổi mới trong hoạt động xúc tiến thương mại, từ cuối năm ngoái, Bộ Công Thương đã đưa vào chương trình công tác của Bộ thực hiện một chuỗi những hoạt động Hội nghị xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng và thực hiện xuyên suốt cho cả 6 vùng kinh tế.

Bộ Công Thương cũng đã thực hiện được 5 chương trình Hội nghị này và còn 1 Hội nghị tới đây sẽ được tổ chức tại TP. Cần Thơ về nội dung xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông qua những Hội nghị này, chúng ta đều thấy rằng, với sự quan tâm tham gia cùng vào cuộc của các địa phương trong vùng, sự hợp lực về trí tuệ, về các nguồn lực khác đã giúp chúng ta ra được rất nhiều ý tưởng mới để khai phá tốt hơn các hoạt động xúc tiến thương mại trong tương lai” – bà Thủy chia sẻ.

Những Hội nghị này cũng là dịp để các chủ thể trong lĩnh vực xúc tiến thương mại bao gồm các cơ quan Trung ương, các cơ quan địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và nhiều chủ thể khác của hệ sinh thái xúc tiến thương mại trao đổi tìm ra những giải pháp xúc tiến thương mại có tính chất gắn kết hợp lực tốt hơn giữa các đơn vị, hướng tới phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình thương mại không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở các thị trường nước ngoài được hiệu quả hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội, những điều kiện để tham gia sâu hơn vào hoạt động quảng bá, phát triển sản phẩm, tiếp cận được nhiều hơn ở quy mô nội vùng và tiếp cận liên vùng.

Ở góc độ địa phương, ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn – cho biết, việc liên kết vùng ở phía địa phương mới thực hiện được trong khu vực 6 tỉnh phía Bắc. Trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, việc xúc tiến thương mại của Sở Công Thương Bắc Kạn đã làm khá tốt, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã, các chủ thể đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp thông qua kết nối của ngành Công Thương giữa các tỉnh để họ tìm hiểu và trao đổi những sản phẩm hàng hóa, qua đó họ đã có những sự kết nối với nhau trong việc tiêu thụ các mặt hàng.

Xây dựng những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không phải của riêng tỉnh mình mà gọi là đa tỉnh, có nghĩa là hàng hóa trên địa bàn chúng tôi sẽ có mặt ở các điểm bán sản phẩm OCOP của các tỉnh bạn. Ngược lại, sản phẩm OCOP của tỉnh bạn sẽ có mặt tại các điểm bán và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh chúng tôi để tăng cường giao lưu về mặt hàng hóa và đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện tại là họ có sản phẩm của các chủ thể hợp tác xã khác mà mình đang cần có”- ông Sáng nói và dẫn chứng như miền núi thì cần hàng của miền xuôi, miền nông thôn thì cần hàng hóa ngoài đô thị hoặc đặc biệt là những miền núi rất cần những món hàng là sản phẩm OCOP của miền biển như Hải Phòng và Quảng Ninh,… Đây là một trong những chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là phải liên kết và chỉ đạo cho việc xúc tiến thương mại phải liên kết vùng và trao đổi hàng hóa giữa các vùng với nhau. 

Theo ông Đinh Lâm Sáng, các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài của địa phương cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Chẳng hạn như sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia và cũng đã được xuất sang châu Âu thường xuyên, đồng thời cũng nhận được những đánh giá rất cao của khách hàng nước ngoài.

Tiến tới chúng tôi cũng sẽ xúc tiến một số mặt hàng đạt tiêu chuẩn cấp cao sang một số địa bàn khác và thị trường một số nước gần đây để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh có đủ điều kiện thì có thể xuất khẩu sản phẩm, tăng giá trị lợi nhuận về cho bản thân các chủ thể và cũng như địa phương- ông Sáng nhấn mạnh.

Thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới

Mặc dù có những thuận lợi về hoạt động liên kết vùng trong xúc tiến thương mại, tuy nhiên để thực hiện được hiệu quả , theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy vẫn còn khá nhiều những vấn đề bất cập. Đó là mô hình hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước hiện nay không có sự đồng nhất; chưa có nhiều những cơ sở hạ tầng tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại ở quy mô lớn; các nguồn lực xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương cũng rất thấp. Trong khi đó, ối với các cơ quan Trung ương thì nguồn lực ngân sách cho xúc tiến thương mại cũng còn rất thấp; tính liên kết trong công tác trong hoạt động giữa các cơ quan xúc tiến thương mại trung ương và địa phương vẫn còn lỏng lẻo…

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất và liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, bà Thủy cho biết, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các Hội nghị về xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu theo quy mô của từng vùng kinh tế, Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới. Đó là mô hình tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng (Winning with Việt Nam).

Theo đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đưa sản phẩm ra thế giới rất nhiều, rồi các địa phương cũng phải đi ra thế giới rất nhiều để học hỏi, khảo sát thị trường, tìm hiểu những mô hình hoạt động, mô hình xúc tiến thương mại.

Nếu như các địa phương đi với quy mô từng đoàn nhỏ lẻ thì sẽ dẫn đến các vấn đề như: Ở thị trường nước ngoài, những cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện thương mại của chúng ta ở nước ngoài thì lực lượng rất mỏng. Thế nên riêng việc phải làm các nghiên cứu về chính sách, rồi báo cáo về tình hình cập nhật thông tin thị trường ở thị trường sở tại về Việt Nam đã là một khối lượng công việc rất lớn. Nếu lại phải hỗ trợ các địa phương sang để mà tìm hiểu các hoạt động mà theo quy mô đoàn nhỏ lẻ như vậy thì cũng là một nội dung công việc cũng khá vất vả cho thương vụ. Việc mà đi nhỏ lẻ như thế vừa phát sinh khối lượng công việc rất lớn, vừa hiệu quả kết nối không cao”- bà Nguyễn Thị Thu Thủy nêu vấn đề và cho biết thêm, khách hàng nước ngoài cũng rất khó để nhớ hết hôm nay tiếp khách Bắc Kạn hay ngày mai gặp bạn hàng Thái Nguyên. Người ta chỉ nhớ rằng là chúng tôi đã tiếp xúc với cả phái đoàn Việt Nam, có những sản phẩm ABC nổi trội như thế này”.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch để các địa phương cùng tổ chức đoàn giao thương nước ngoài có quy mô hơn, mang nhiều sản phẩm giá trị hơn đến với thị trường nước ngoài, tạo nên hiệu ứng truyền thông cao hơn cho các doanh nghiệp.


Tác giả: Phương Thu

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website