Doanh nghiệp Việt Nam tăng cường giao thương, mở rộng kết nối hợp tác tại thị trường Quảng Tây, Trung Quốc
Trong khuôn khổ triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 05/9, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương đã phối hợp với một số cơ quan liên quan tại Quảng Tây tổ chức chương trình Hội nghị giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) năm 2024 và chương trình khảo sát Trung tâm sản phẩm đặc sắc Trung Quốc – ASEAN. Chương trình đã mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thông tin hữu ích và giúp tăng cường kết nối hiệu quả với các đối tác tại Quảng Tây, Trung Quốc.
Tham dự Hội nghị giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây), về phía đại biểu Việt Nam có Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc. Về phía đại biểu Trung Quốc có đại diện Lãnh đạo Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Ngân hàng Quế Lâm. Về phía doanh nghiệp có hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất, nhập khẩu, nông sản, thực phẩm chế biến,… cùng tham dự và kết nối giao thương tại Hội nghị.
Tại hội nghị, Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã nhấn mạnh vai trò là cầu nối quan trọng trong thương mại và giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc của Quảng Tây, khẳng định rằng Quảng Tây chính là hình ảnh thu nhỏ của mối quan hệ cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung có ý nghĩa chiến lược mà Lãnh đạo cao nhất của 2 nước đã chính thức thiết lập từ năm 2023, đồng thời bày tỏ hy vọng thông qua chương trình này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tại thị trường Quảng Tây nói riêng, Trung Quốc nói chung và trên các nền tảng thương mại khác nhau, góp phần mở rộng xuất khẩu hàng hóa thế mạnh của mỗi bên và cùng đóng góp tích cực vào việc tăng cường tuyên truyền tình hữu nghị Việt – Trung, hướng tới “Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung” 2025. Đại diện Sở Thương mại Quảng Tây và Ngân hàng Quế Lâm đã giới thiệu các chính sách, điều kiện thuận lợi và những dịch vụ hỗ trợ tài chính phục vụ hoạt động thương mại, đầu tư tại khu vực biên giới cũng như tại Quảng Tây dành cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Trong chương trình, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Trung Nguyên, Savinest, Nhà yến Nha Trang, thương hiệu trà Việt Tú, thủy sản Quảng Ninh (Bavabi),... và các doanh nghiệp Trung Quốc như Tập đoàn Nông Khẩn, Tập đoàn Đầu tư nông thôn,... đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, kết nối để tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ của nhau cũng như nhu cầu xuất – nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) ngày càng phát triển.
Trong cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Công Thương và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành khảo sát và làm việc tại Trung tâm sản phẩm đặc sắc Trung Quốc – ASEAN tại Nam Ninh, Quảng Tây. Đây là trung tâm trưng bày và giao dịch hàng hoá mang thương hiệu của các quốc gia ASEAN tại Quảng Tây. Trong chương trình, các doanh nghiệp đã được tìm hiểu về các dịch vụ, chính sách ưu đãi của Trung tâm dành cho các doanh nghiệp ASEAN. Ngay tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quyết định hợp tác, đưa hàng hóa trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ qua hệ thống phân phối của Trung tâm.
Quảng Tây là một địa phương biên giới của Trung Quốc, có dân số khoảng 48 triệu người, tiếp giáp với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam. Hoạt động trao đổi thương mại giữa Quảng Tây và các địa phương Việt Nam diễn ra rất sôi động. Theo số liệu thống kê của Hải quan Nam Ninh năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong 25 năm liên tiếp. |