Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngành gỗ
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Để hỗ trợ cho xuất khẩu ngành này, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế được cho là 1 trong những giải pháp quan trọng hiện nay.
Gỗ và sản phẩm từ gỗ đã có mặt trên 140 thị trường khác nhau
“Khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời”
Trong những năm gần đây, ngành gỗ phát triển rất nhanh về xuất khẩu. Năm 2010, xuất khẩu toàn ngành mới chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, đến năm 2022 là 16 tỷ USD và hiện nay là ngành xuất khẩu thứ 6 trong những ngành xuất khẩu chủ lực.
Sản phẩm gỗ đã có mặt ở 140 quốc gia và là một trong những cường quốc xuất khẩu đồ gỗ, xếp thứ 1 ở ASEAN, thứ 2 ở Châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu gỗ đang đối diện với khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu suy giảm đến gần 30%, cao hơn tốc độ giảm chung của cả nước (13%). Theo số liệu của Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản của Bộ Công Thương, ước tính, trong tháng 6/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 5/2023 và giảm mạnh 26,2% so với tháng 6/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 728 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng 5/2023 và giảm 23,4% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho rằng, nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sụt giảm là thị trường Hoa Kỳ - thị trường chủ lực của ngành gỗ đã giảm 35% về kim ngạch do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020 và đến nay, sau 7 lần trì hoãn, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Còn theo TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, do hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ còn thấp, nguồn lực tài chính hạn chế nên chưa đủ để đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Công nghệ thấp nên năng suất thấp.Ngoài ra, mẫu mã vẫn còn đơn điệu. Thương hiệu của doanh nghiệp còn yếu. Nhiều doanh nghiệp không có đủ kinh phí xây dựng thương hiệu…
Mặc dù xuất khẩu hàng hoá đã và đang gặp khó khăn ở hầu khắp các nhóm hàng và thị trường, tuy nhiên, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%. “Vì vậy, khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, do khó khăn chung của thị trường”- ông Ngô Sỹ Hoài đánh giá.
Triển khai xúc tiến thương mại ngành gỗ ở cả cấp quốc gia, hiệp hội, doanh nghiệp
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, theo các doanh nghiệp chế biến gỗ, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng là một trong những giải pháp thiết thực.
Thực tế, gỗ và sản phẩm từ gỗ đã có mặt trên 140 thị trường khác nhau. Điều này cho thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần rất tích cực trong thành tích này. Tuy nhiên, theo ông Ngô Sỹ Hoài, các giải pháp xúc tiến thương mại từ trước đến nay ta vẫn làm lại chưa đủ lớn, mạnh. Cho nên chúng tôi nghĩ xúc tiến thương mại nên được triển khai ở cả cấp quốc gia, cấp hiệp hội và doanh nghiệp cụ thể.
Ở cấp quốc gia, các giải pháp xúc tiến thương mại cần được thực hiện để làm sao tăng thương hiệu, uy tín, lòng tin của khách hàng với sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các bạn hàng trên thế giới thường sẽ soi rất kỹ nguyên liệu đầu vào của ngành. Hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia bằng mọi cách phải phát đi thông điệp là doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang kiên trì theo đuổi thương mại xanh, công nghiệp xanh.
Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại tầm hiệp hội, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, ngành công nghiệp gỗ đang phát triển cả ở phía Bắc và có đang sự dịch chuyển từ Đông Nam Bộ ra các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các tỉnh phía Bắc là nơi có nguyên liệu rừng trồng dồi dào, nhân công tương đối rẻ. “Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại cấp hiệp hội sẽ còn được thực hiện cả ở Hà Nội và phía Bắc để nhiều người quan tâm đến ngành gỗ có thể tiếp cận được với thông tin”- ông Ngô Sỹ Hoài thông tin.
“Đối với các doanh nghiệp thì cần có sự đầu tư. Trong bối cảnh khó khăn, có thể có nhiều thị trường nhỏ nhưng ta vẫn cần làm. Và bài học muôn thuở là không "bỏ trứng vào một giỏ". Các doanh nghiệp phải có bộ phận xúc tiến thương mại và cần dành ưu tiên về tiền bạc và nhân lực cho xúc tiến thương mại trong tương lai”- ông Ngô Sỹ Hoài lưu ý.