Hướng dẫn xuất khẩu thành công cho doanh nghiệp nữ
Mới đây, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp tổ chức Hội thảo Hướng dẫn xuất khẩu thành công cho doanh nghiệp nữ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác Dự án SheTrades - UPS tại Việt Nam giữa Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC - International Trade Center), đơn vị liên kết của tổ chức Liên Hợp quốc (UN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hội thảo nhằm hướng tới chủ thể là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo đã và đang có sự chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp mình, các Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (BSO), các công ty thuộc khu vực tư nhân, tổ chức tài chính, đại diện cơ quan quản lý nhà nước.
Mục tiêu của Hội thảo là tạo dựng khả năng sẵn sàng tiếp cận thị trường xuất khẩu của nữ doanh nhân thông qua hình thức đào tạo và thực hành với các chủ đề cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phát huy lợi thế cạnh tranh và tiếp cận thị trường mới, trang bị các kỹ năng về quy trình xuất khẩu, công tác nghiên cứu thị trường, nội dung về chứng từ, hải quan và phát triển xanh, bền vững phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu chung của các thị trường xuất khẩu trên thế giới. Bên cạnh đó, các giảng viên do Ban Tổ chức mời tham dự sẽ có những bài giảng hữu ích về quản lý rủi ro, khả năng phục hồi kinh doanh, các công cụ và phương pháp để tăng cường hệ sinh thái thương mại cho phụ nữ.
Số liệu thống kê cho thấy tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có hơn 553.000 doanh nghiệp, trong đó có 536.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số này, doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu là hơn 106.000 doanh nghiệp, tức là chỉ chiếm hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn chiếm một tỷ lệ nhỏ so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ song tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam được đánh giá đứng thứ hạng cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tỷ lệ này ngang bằng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Singapore (24%); Thái Lan (23%), Indonesia (21%) và thậm chí cũng ngang bằng với các nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu (ví dụ: Pháp 24%; Thụy Điển 20%...). Hơn nữa, 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ nằm trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Theo ông Đào Việt Anh- Trưởng Phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á, song hầu hết có quy mô siêu nhỏ, nhỏ, 90% hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Nguyên nhân bởi, dù có sự công nhận về bình đẳng giới về mặt hiến pháp và ngày càng có nhiều sửa đổi các văn bản pháp luật, quy định để duy trì bình đẳng giới, nhưng các nữ doanh nhân ở Việt Nam vẫn chịu một số hạn chế từ chuẩn mực, kỳ vọng xã hội.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Tạ Thị Kim Tuyến- Công ty cổ phần Sinh thái ruộng Rươi cho hay, sự kiện giúp doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quan về nền tảng cần chuẩn bị và các bước cần thực hiện/hoàn thiện để triển khai hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài.
Cùng quan điểm trên, bà Phạm Thị Thoa- Công ty cổ phần NICOTEX bày tỏ, thông qua sự kiện, doanh nghiệp hiểu biết thêm sơ bộ về các kiến thức xuất khẩu, quy trình xuất khẩu, khai báo hải quan, các hiệp định thương mại tự do, công cụ hỗ trợ xuất khẩu... sang một số nước khác.
Tại hội thảo, ngoài bài trình bày kỹ thuật của các diễn giả còn có đại diện cho tổ chức hỗ trợ thương mại, hiệp hội ngành hàng chia sẻ các chương trình và hoạt động hiện tại của đơn vị nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nói riêng, doanh nhân nữ nói chung nhằm tăng cường hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nữ làm chủ tại Việt Nam.
Hội thảo kéo dài hai ngày, bao gồm 3 phần làm việc:
Phần1: Xây dựng khả năng sẵn sàng tiếp cận thị trường của nữ doanh nhân. Các nữ doanh nhân sẽ được đào tạo thực hành về các chủ đề cần thiết để doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường mới, tập trung vào hành trình xuất khẩu, quy trình, nghiên cứu thị trường, chứng từ, hải quan, giải pháp xanh.
Phần 2: Tăng cường hệ sinh thái thương mại cho phụ nữ. Đào tạo Giảng viên (ToT) về quản lý rủi ro, khả năng phục hồi kinh doanh, các công cụ, phương pháp nhạy cảm về giới.
Phần 3: Gặp gỡ Đối tác của SheTrades.
Riêng ngày thứ 2 sẽ kết hợp hợp phần kết nối, trao đổi nhanh giữa các đại biểu hệ để thảo luận về các cơ hội thị trường và thương mại mới, đồng thời thúc đẩy kết nối giữa các chuyên gia trong ngành và các nữ doanh nhân.