Phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực tại Điện Biên
Các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử… được triển khai hiệu quả tại tỉnh Điện Biên đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, thương mại, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực có thế mạnh của tỉnh.
Tỉnh Điện Biên ứng dụng công nghệ trong quảng bá tiêu thụ nông sản
Phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương
Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định, phát triển ngành công nghiệp tỉnh Điện Biên trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế.
Theo đó, tỉnh Điện Biên xác định phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu như: Gạo tại huyện Điện Biên; vùng cà phê Mường Ảng; vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; vùng chè Tủa Chùa; vùng Mắc Ca tại Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên... tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ tiên tiến, quy mô sản xuất công nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh cũng khuyến khích sắp xếp các hộ chế biến từng bước chuyển thành một số cơ sở chế biến tập trung, hình thành các chuỗi liên kết để giải quyết việc xử lý môi trường và tăng chất lượng sản phẩm. Gia tăng các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị của ngành đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và phục vụ du lịch, tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, từng bước sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và quốc tế. Phát triển trên cơ sở gắn với liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa ngành công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.
Ngay từ khi tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các Sở, ngành yêu cầu các nhà đầu tư phải gắn dự án với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến bảo đảm tính hiệu quả, bền vững.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Điện Biên có 25 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 72 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và 17 sản phẩm, 02 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Các sản phẩm được công nhận OCOP, sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề và nghề truyền thống.
Ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên cho biết, năm 2023, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện, xây dựng điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền của tỉnh. Đến nay, điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền đã hoàn thành và đưa vào vận hành, hỗ trợ tối đa công tác quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước.
Sản phẩm nông sản của tỉnh Điện Biên tại một chương trình giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm
Phát triển thương mại điện tử là chủ trương xuyên suốt
Trong những năm qua, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn có mức tăng trưởng cao và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững. Các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử… được triển khai hiệu quả, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, thương mại, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực có thế mạnh của tỉnh.
Trong đó, hoạt thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những bước phát triển. Ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, toàn tỉnh Điện Biên hiện có khoảng 500 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tài khoản thương mại điện tử đạt 20% và tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử đạt 50%.
Đơn cử, về giải pháp kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của Điện Biên và vùng Tây Bắc trên sàn thương mại điện tử, trong năm 2023, sàn thương mại điện tử Shopee đã tập trung hỗ trợ nhà bán hàng và người nông dân quảng bá nông sản địa phương như: gạo Séng Cù, xoài sấy, mận hậu sấy, cao xạ đen, mật ong rừng, hà thủ ô… Bằng cách hỗ trợ hiển thị các sản phẩm trong ứng dụng qua các banner, Flash Sale, giỏ hàng trong livestream, đồng thời, truyền thông rộng rãi về dự án trên các kênh báo chí chính thống, mạng xã hội hay phối hợp cùng KOL, các sản phẩm địa phương đã dễ dàng tiếp cận thị trường và người tiêu dùng.
Như vậy, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh Điện Biên dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng và tiện lợi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cấc chuyên gia cho rằng, để phát huy tối đa hoạt động thương mại điện tử, tỉnh Điện Biên cần tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử; hạ tầng công nghệ thông tin, các dịch vụ hỗ trợ tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng; gia tăng số lượng các sản phẩm hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu để tham gia vào các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng trong thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc; kết nối, tăng doanh số bán hàng trực tuyến; chung tay đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.