Xúc tiến thương mại đa kênh, tăng khả năng tiêu thụ vải thiều
Nét mới trong hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều năm 2024 không chỉ đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu còn kết nối đẩy mạnh thị trường tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia, gắn kết tiêu thụ với du lịch trải nghiệm tạo các tour du lịch đến vườn vải.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm năm 2024 và lễ cắt băng xuất hành, chứng kiến đoàn xe khởi hành đưa vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước vào cuối tháng 5 vừa qua.
Chủ động kết nối, tiêu thụ vải
Theo bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, năm 2024, huyện Tân Yên (Bắc Giang) có 1.420 ha vải thiều, sản lượng khoảng 15.500 tấn, giá trị ước đạt 520 tỷ đồng. Trong đó, diện tích vải thiều sớm là 1.250 ha, ước sản lượng 15.000 tấn, diện tích vải thiều chính vụ là 170 ha, ước sản lượng 300 tấn.
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 900 ha; diện tích GlobalGAP đạt 455 ha (duy trì 415 ha, mở rộng 40 ha), để phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Dự kiến, sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 5.550 tấn.
Hiện huyện Tân Yên đang quản lý 27 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, gồm: 17 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 856ha, sản lượng 10.200 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích 25ha, sản lượng 300 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang Úc, diện tích 22ha, sản lượng 260 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, diện tích 21,4ha, sản lượng 250 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, diện tích 42ha, sản lượng 500 tấn.
Bà Lâm Thị Hương Thành cho hay, huyện Tân Yên đã chủ động kết nối, mời gọi các doanh nghiệp ký liên kết tiêu thụ, và đã có khoảng 10 doanh nghiệp có kế hoạch và ký hợp đồng tiêu thụ vải xuất khẩu với người trồng vải và chuẩn bị tốt các điều kiện tham gia các chương trình, hội nghị xúc tiến do UBND tỉnh tổ chức; tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hướng tới mô hình sản xuất hữu cơ, tiếp tục ứng dụng tốt hơn tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong canh tác, nên chất lượng vải thiều năm nay cao hơn những năm trước và sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên đã trở thành thương hiệu nổi tiếng có chỗ đứng trong nhiều năm ở thị trường các nước như: Trung Quốc, Nhật, Úc, Hoa Kỳ…
Tại Hội nghị, ông Ngô Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, về thị trường tiêu thụ, cùng với tỉnh nhà, Huyện Tân Yên luôn coi trọng tất cả các thị trường, cả ở trong nước và xuất khẩu.
Tại thị trường trong nước, vải thiều chín sớm Tân Yên đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ, chủ yếu là các chợ đầu mối, các siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng,… và tại một số trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị như: MM Mega Market, Central Retail, Go! Bắc Giang,…
Với thị trường xuất khẩu, vải thiều chín sớm Tân Yên được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc… Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều của huyện để xuất khẩu, nhiều thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát sản xuất vải thiều tại huyện Tân Yên…
Đại diện UBND huyện Tân Yên cho biết, thời gian tới, huyện Tân Yên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với các thị trường xuất khẩu, chuẩn hóa mẫu mã, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, quản lý nhãn hiệu, đảm bảo quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm quả vải chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Gắn quảng bá các sản phẩm chủ lực với du lịch trải nghiệm
Tại Hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp hiến kế giải bài toán tiêu thụ vải thiều Tân Yên tại các thị trường trong và ngoài nước nhằm sớm đưa quả vải thiều lên sàn thương mại điện tử. Cùng đó giới thiệu những tour, tuyến du lịch tham quan trên địa bàn huyện, trong đó có vườn vải thiều ở xã Phúc Hòa, vườn sâm Nam núi Dành ở xã Liên Chung và một số điểm di tích, lịch sử tại địa phương.
Để mở rộng thị trường, tiêu thụ thuận lợi vải thiều, bà Lâm Thị Hương Thành yêu cầu UBND huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn bà con vùng trồng vải thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu hái, lưu thông, tiêu thụ.
Ứng dụng công nghệ, sản phảm có gắn tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng đảm bảo các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm. Chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội...
Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện và tạo thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều. Xác định khâu quảng bá là một khâu quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, giá trị, thế mạnh của huyện Tân Yên với các địa phương lân cận.
Các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh vải thiều tích cực khảo sát, kết nối, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên. Kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh và của huyện về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều để được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Huyện cũng cần tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội... Đồng thời, gắn việc quảng bá các sản phẩm chủ lực của huyện như vùng vải, ổi lê, vú sữa, sâm núi Dành với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện và vùng lân cận; tăng cường quảng bá, giới thiệu để nhiều người dân trong và ngoài tỉnh cũng như du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch.
Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong triển khai, thực hiện hiệu quả các văn bản của tỉnh về xúc tiến thương mại. Chú trọng hỗ trợ sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh vải thiều tích cực khảo sát, kết nối, ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên. Kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều để được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Qua đó góp phần mở rộng thị trường, tiêu thụ thuận lợi, nâng cao giá trị sản xuất cho người trồng vải trên địa bàn huyện Tân Yên nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung.