Phú Thọ: Đẩy mạnh giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu chè
Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2023 được tổ chức vừa qua đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp liên kết với các doanh nghiệp phân phối trong cả nước, kết nối với các nhà xuất khẩu để đẩy mạnh hoạt động giao thương tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu chè.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã khu vực Đông Bắc (Ảnh: Báo Phú Thọ)
Thực hiện Chương trình cấp Quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, ngày 24/4/2023, Sở Công Thương Phú Thọ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2023”.
Khu vực Đông Bắc hiện có tám tỉnh trồng chè với tổng diện tích trên 71 nghìn ha, năng suất bình quân đạt khoảng 500.000 tấn búp chè tươi; sản lượng chè khô đạt khoảng trên 120 nghìn tấn. Những năm qua, sản phẩm chè đã có mặt tại 74 thị trường trên thế giới. Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và lọt vào danh sách 8 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Năm 2022, xuất khẩu chè cả nước ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá gần 240 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và 10,7% về giá trị so với năm 2021.
Phú Thọ là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn trong cả nước. Diện tích chè toàn tỉnh là 15,4 nghìn ha, trong đó có gần 4.000ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; năng suất chè búp tươi đạt 122,5 tạ/ha. Toàn tỉnh có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên một tấn búp tươi/ngày; gần 1.300 cơ sở chế biến chè thủ công; 15 làng nghề và tám hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Sản lượng chế biến bình quân khoảng 60.000 tấn/năm. Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đến thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan, Nga …
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2023 là cơ hội tôt để các doanh nghiệp chè tìm hiểu thông tin thị trường cũng như chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn, hữu cơ, đáp ứng được các nhu cầu khắt khe của thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè xuất khẩu.
Tại hội nghị, các Tham tán, Thương vụ của Việt Nam tại các nước Indonesia, Băng-la-đét, Ả rập xê út, Ấn Độ, Trung Quốc và Ma rốc đã thông về nhu cầu thị trường, tiềm năng, thế mạnh, xu hướng, thói quen tiêu dùng, khuyến nghị, văn hóa dùng trà của các nước… Đồng thời bày tỏ mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng trong việc xúc tiến xuất khẩu chè, cũng như tăng cường tổ chức các đoàn giao thương kết nối doanh nghiệp chè trong thời gian tới.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và chế biến chè cũng thảo luận một số vấn đề liên quan đến tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thổ nhưỡng phát triển vùng nguyên liệu; quy trình sản xuất chè an toàn và các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển ngành chè bền vững.
Mặc dù, khu vực Đông Bắc nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng có tiềm năng để phát triển thương mại, cũng như xuất khẩu các sản phẩm chè, song để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại ngành chè, song theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Công thương các tỉnh khu vực Đông Bắc cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, liên kết với các Sở Công thương trong khu vực, các Đại sứ, Tham tán, Thương vụ của Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu và gia tăng giá trị hàng hóa; đổi mới công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia vào thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các Tham tán tại các quốc gia tiếp tục quan tâm, kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong khu vực ra thị trường thế giới.
Cũng tại hội nghị Ban tổ chức đã tổ chức Khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chè có thế mạnh xuất khẩu của một số tỉnh như: Hà Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Kạn, Ninh Bình. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, mở ra cơ hội kết nối hợp tác kinh doanh, mở rộng, kết nối giao thương xuất khẩu sản phẩm chè.