Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia xanh Việt Nam
Thương hiệu xanh giúp các quốc gia định vị mình là đất nước dẫn đầu về tính bền vững với các sản phẩm và dịch vụ được công nhận vì sự tôn trọng môi trường và phát triển bền vững.
Theo giới chuyên gia, thương hiệu xanh của một quốc gia có thể được định nghĩa là “thương hiệu bao trùm của một đất nước, đặt trọng tâm và đạt kết quả vượt trội trong việc phát triển bền vững mà vẫn bảo vệ môi trường”.
Trong đó, các yếu tố cấu thành thương hiệu xanh của một quốc gia bao gồm nhận định của công dân trong nước và quốc tế về 6 vấn đề chủ yếu gồm:
Một là, các chính sách của chính phủ nhằm phát triển bền vững song song với bảo vệ môi trường.
Hai là, nguồn nhân lực của quốc gia – các kỹ năng và năng lực của nguồn nhân lực, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.
Ba là, các mặt hàng xuất khẩu của quốc gia, cụ thể là danh tiếng của các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường.
Bốn là, sức hấp dẫn của ngành du lịch quốc gia và liệu du lịch có gắn liền với các hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp hay không.
Năm là, văn hóa và di sản quốc gia gắn liền với các giá trị môi trường.
Sáu là, khả năng thu hút các cá nhân đến sinh sống, làm việc, học tập hay hấp dẫn các doanh nghiệp đến kinh doanh tại quốc gia, nhờ vào uy tín quốc gia được bồi đắp từ các hành động môi trường tích cực.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, tăng trưởng xanh được xem là chìa khóa đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 - 2030, tạo đà cho Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững. Các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhân tố tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Các chuyên gia nhận định, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định thương mại (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)… bởi những FTA này đều có quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Vì vậy, thực hiện tốt sản xuất xanh cũng là một cơ hội tốt để tận dụng hiệu quả các FTA và đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…
Hơn 36 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong việc xây dựng thương hiệu xanh cho đất nước. Từ năm 1993-2014, đã có 40 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao trong khu vực, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hình ảnh Việt Nam ngày càng được nâng cao trên các diễn đàn quốc tế.
Có thể nói, xanh hóa để tăng trưởng bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả kinh tế và giá trị vô hình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế. Xu hướng tiêu dùng của thế giới và trong nước cũng đang chuyển dịch nhanh sang các sản phẩm thân thiện với môi trường đặt ra những bài toán mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, nhất là tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường.
Với yêu cầu trên, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất xanh thông qua đầu tư khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Gắn liền với quá trình chuyển đổi là tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tiến tới tạm dừng sản xuất sản phẩm có phác thải lớn gây ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng”.