Xúc tiến thương mại, “công cụ” đưa sản phẩm chỉ dẫn địa lý đến với người tiêu dùng
Cùng với việc duy trì được danh tiếng, chất lượng, tính chất đặc thù của sản phẩm chỉ dẫn địa lý, thì công tác xúc tiến thương mại, từ đó người tiêu dùng biết đến sản phẩm chỉ dẫn địa lý và sẵn sàng mua hàng với giá cao là việc cần được đẩy mạnh.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại
Trái nhãn lồng Hưng Yên đã được xếp hạng thứ 13 trong top 50 trái cây nổi tiếng Việt Nam và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”. Việc công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Từ khi có chỉ dẫn địa lý năm 2017 đến nay, vị thế của nhãn lồng Hưng Yên từng bước được khẳng định không những ở thị trường Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.
Chỉ dẫn địa lý giúp khẳng định lợi thế riêng có của địa phương trong phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông sản đặc thù. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xem là công cụ quan trọng, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Đồng thời, công tác quảng bá sản phẩm có chỉ dẫn địa lý như nhãn lồng Hưng Yên là hết sức quan trọng.
Giữa tháng 8/2024, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với siêu thị Big C Thăng Long, thành viên của Tập đoàn Central Retail Việt Nam, tổ chức khai mạc Tuần lễ nhãn và nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên năm 2024.
Ông Vũ Quang Thắng - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên - cho biết, bên cạnh việc đưa nhãn lồng phân phối trong các chuỗi siêu thị tại Hà Nội, tỉnh Hưng Yên tiếp tục phối hợp với siêu thị GO!, Big C tổ chức Tuần lễ Nhãn và nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên tại Hà Nội năm 2024 tại Siêu thị Big C Thăng Long. Mục đích nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên chính hiệu đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Cam Cao Phong là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là nông sản đầu tiên và duy nhất của tỉnh đến thời điểm hiện tại được cấp Chỉ dẫn địa lý.
Cam Cao Phong vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thơm dịu, tép vàng. Nhiều giống cam gần như không có hạt, phù hợp với nhu cầu thị trường. Quan trọng hơn, nhiều năm qua, người trồng cam Cao Phong luôn nỗ lực duy trì và cung cấp ra thị trường những sản phẩm thân thiện với người sản xuất, an toàn với người sử dụng. Qua đó tạo sự phát triển ổn định và bền vững cho thương hiệu cam Cao Phong.
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, thời gian qua, địa phương cũng chú trọng tới công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Mới đây nhất, ngày 6/12, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Cao Phong tổ chức khai mạc Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 8 và Hội chợ Thương mại - Du lịch năm 2024. Lễ hội đã thu hút được hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia.
Ông Bùi Hoài Nhi - Uỷ viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong – cho hay, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 8 là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế, chính trị và xã hội, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, giới thiệu sản phẩm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mở rộng hợp tác tới các địa phương trong tỉnh và trên cả nước, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có điều kiện tiếp cận thị trường và người tiêu dùng, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp và Hợp tác xã xây dựng, phát triển hàng hóa có lợi thế cạnh tranh; thúc đẩy, khuyến khích và tiêu thụ các sản phẩm truyền thống, sản phẩm mang tính đặc trưng nhất là sản phẩm thuộc chương trình OCOP, du lịch sinh thái, văn hóa du lịch, lịch sử góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tỉnh.
Còn tại Thái Nguyên, chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cấp cho sản phẩm chè được trồng, chế biến và đóng gói tại 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu, Quyết Thắng, Thịnh Đức, Phúc Hà. Trong đó, có trên 30 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên quản lý. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình được cấp quyền chỉ dẫn địa lý đã duy trì, và phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ thương hiệu chè Tân Cương.
Là đơn vị thực hiện nghiêm túc việc sử dụng nhãn hiệu, logo trên các bao bì sản phẩm khi lưu thông trên thị trường, không sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chưa đáp ứng điều kiện về giống chè, quy trình sản xuất... Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tích cực tham gia hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bà Dương Thị Thơm - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) - cho biết, việc bảo vệ phát triển sản phẩm trà mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” sẽ nâng cao giá trị thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho các sản phẩm chè Thái Nguyên.
"Từ năm 2022 HTX đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn cấp chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương. Sau khi được cấp HTX đã tuân thủ các quy định. Khi sử dụng chỉ dẫn địa lý chúng tôi thấy rất là tốt tăng giá thành sản phẩm, uy tín trên thị trường", bà Dương Thị Thơm cho hay.
Cần tiếp tục hoàn thiện các “mảnh ghép”
Chỉ dẫn địa lý là công cụ hữu hiệu, đặc biệt với kinh doanh xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng, giúp sản phẩm thâm nhập thị trường và phát triển nhanh chóng nhờ chất lượng và uy tín của sản phẩm.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam gắn với bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Dù vậy, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý vẫn còn hạn chế do doanh nghiệp và người tiêu dùng ít quan tâm. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý vẫn còn những tồn tại.
Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) – cho biết, nhãn lồng Hưng Yên chịu sự cạnh tranh với các khu vực trồng nhãn khác trong nước cũng như nhãn của các nước khác như Thái Lan. Do đó, chỉ khi nào nhãn lồng Hưng Yên ra thị trường và được người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn được ngay, khi đó, chúng ta mới có thể nói đến việc kinh doanh hiệu quả.
Ông Paul Le - Phó Chủ tịch của Central Retail tại Việt Nam - cho biết, Hưng Yên có nhiều sản phẩm nông sản tốt, trong đó có trái nhãn, tuy nhiên cần phải chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Đơn cử trước khi đi bán thì phải xây dựng chiến lược, thiết kế bao bì đóng gói, bảo quản lạnh hay liên lạc siêu thị để quảng cáo đúng sản phẩm của mình.
“Sản phẩm của mình chắc chắn ngon, nhưng vấn đề cần thương hiệu, để khi người tiêu dùng vào siêu thị đã mua trái nhãn năm nay thì sang năm sau, họ vào và nhắm mắt mua cũng biết thương hiệu đó sẽ ngon. Xây dựng thương hiệu từ đó để đánh dấu thương hiệu nhãn Hưng Yên”, ông Paul Le chia sẻ.
Phó Chủ tịch của Central Retail tại Việt Nam cũng cho rằng với việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu theo câu chuyện sản phẩm, cùng với khâu đóng gói được cải thiện theo tiêu chuẩn quốc tế thì nhãn Hưng Yên có thể xuất khẩu đến các thị trường EU, Hoa Kỳ.
“Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành để tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thay đổi việc sử dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, cũng như tác động đến ý thức của người tiêu dùng từ đó có nhận thức tốt hơn với sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, có như vậy, quả thanh long mang chỉ dẫn địa lý Bình Thuận sẽ có cơ hội phát triển và vươn xa hơn”, bà Mai Thanh Nga – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận – khuyến nghị.
Để chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong được nhiều người tiêu dùng biết đến và sẵn sàng mua hàng với giá cao, ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - đề nghị, UBND huyện Cao Phong và các sở ban, ngành tăng cường công tác xây dựng bảo vệ, phát triển quảng bá thương hiệu. Đồng thời, tăng cường kết nối với các nhà khoa học, nhà sản xuất để duy trì và phát triển sản phẩm cam Cao Phong và các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đảm bảo chất lượng, thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng trong khu vực và cả nước tin tưởng.