A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp FDI mong muốn gia tăng tỉ lệ nội địa hoá

Từ lâu, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều mong muốn gia tăng tỷ lệ nội địa hoá bởi những lợi ích về logistics, thuế, hải quan, tận dụng nguồn lao động từ địa phương... Tuy nhiên, có thể nâng cao được tỷ lệ nội địa hoá hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, có quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ

Thông tin tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ” vừa được tổ chức cuối tháng 9/2023, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đã tự ý thức về việc cải tiến, nâng cao năng lực thông qua việc đào tạo đội ngũ quản lý cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất.

Số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ôtô, hiện có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

Đáng chú ý, tỉ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỉ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỉ lệ nội địa hóa cao hơn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam vẫn được cộng đồng doanh nghiệp FDI tin tưởng là thị trường đầu tư hấp dẫn bởi môi trường kinh doanh ổn định, nhân công giá rẻ, các chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí nhân công có tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, nếu ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa học hỏi, sáng tạo được các công nghệ, kỹ thuật sản xuất thì sẽ có thể mất đi cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị của các FDI.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota… để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao năng lực, kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Địa phương tăng cường kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI

Theo nhận định của các doanh nghiệp FDI, địa phương là một trong những cầu nối quan trọng để kết nối và giới thiệu các doanh nghiệp trong nước có uy tín và tiềm năng, từng bước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhận định này đã được chứng minh qua sức hút của Triển lãm sản phẩm kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI vừa diễn ra sáng 29/9 tại Hải Phòng. Triển lãm thu hút sự tham gia của 200 doanh nghiệp FDI và hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức, trường đại học trong nước.

Thông qua Triển lãm này, các bên tham gia đã có cơ hội tìm hiểu về năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp trong nước cũng như những cơ hội để hợp tác, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI; đồng thời cũng nắm bắt nhu cầu, và yêu cầu của các doanh nghiệp FDI cũng như các yêu cầu về tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Tại Triển lãm, các doanh nghiệp đã đạt được một số thỏa thuận ban đầu để có thể tiếp tục bàn bạc chi tiết hơn trong việc hợp tác cung ứng nguyên, vật liệu, trang thiết bị, lao động và các dịch vụ liên quan phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp FDI, từ đó, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đưa các doanh nghiệp trong nước nói riêng và thành phố nói chung tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ tham gia gian hàng tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2023 (Ảnh: TCCT)

Trước đó, trong khuôn khổ Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2023 diễn ra liên tục trong 3 ngày 23-25/8 cũng đã thu hút 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaisia… tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Thông qua Hội chợ và các sự kiện bên lề, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế…


Tác giả: Hải Phong

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website