A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng Việt tăng tính cạnh tranh tại thị trường nội địa

Sau nhiều năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt không chỉ được cải tiến vượt bậc về chất lượng và mẫu mãmà  ngày càng chiếm ưu thế trong giỏ hàng của người tiêu dùng khi giá thành cạnh tranh so với hàng ngoại.

Hiện hàng Việt Nam có độ phủ lớn tại hệ thống phân phối nội địa, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng. Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng, miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế. 

Đáng lưu ý, mặc dù việc mở cửa thị trường trong các FTA mà Việt Nam đang tham gia đang tăng mạnh, nhưng hàng Việt vẫn khẳng định được chỗ đứng và đang được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ.  Theo báo cáo thống kê của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên.  Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao như hệ thống của Central Retail là 90% và hệ thống của AEON Việt Nam là 80%.

Để đạt được những con số đáng ghi nhận đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc cải tiến và phát triển sản phẩm của mình như nâng cao chất lượng nhưng vẫn duy trì giá thành hợp lý để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến vùng nguyên liệu sản xuất để đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, đồng thời cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp với thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao giá trị thương hiệu cũng như đưa ra các chiến dịch marketing thu hút người tiêu dùng trong nước.

Theo Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Có được sự tăng trưởng này là do hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng sôi động hơn về tháng cuối năm khi tết Nguyên đán 2023 đang đến gần. Trong 11 tháng đầu năm 2022, sau 02 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa bắt đầu tăng. Mặc dù thị trường trong nước vẫn còn chịu nhiều tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (đặc biệt là các mặt hàng thuộc nhóm năng lượng…) có xu hướng biến đổi không ngừng, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể. Điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường bán lẻ màu mỡ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng ưu thế của mình cạnh tranh với hàng hóa và doanh nghiệp nước ngoài.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa hàng Việt sẽ không phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, bởi các FTA mà Việt Nam tham gia trong đó có các FTA thế hệ mới có hiệu lực đặt doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi và linh hoạt để thích ứng với bối cảnh mới.

Nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 386/QĐ-TTg về việc ban hành Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, mục tiêu của đề án là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các kênh phân phối truyền thống. Theo đó, để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt thì song song thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì các doanh nghiệp trong nước cũng cần tập trung nâng cao công nghệ sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp để cạnh tranh với hàng ngoại, giúp thay đổi tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng. Có như vậy hàng Việt mới cạnh tranh được với hàng ngoại ngay tại thị trường của mình.

Để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế “sân nhà”.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh tại thị trường nội địa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, đề án đang được thực hiện hiệu quả trong khuôn khổ triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ hàng Việt, doanh nghiệp Việt như: Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Chương trình xúc tiến thương mại trong nước; thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài; Các hoạt động khuyến công; phát triển thương mại điện tử; tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt...


Tác giả: Linh Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website