A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn Việt Nam và những kết quả cụ thể tại Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử

Theo thông cáo báo chí được Văn phòng Chính phủ phát ra ngày 4/12/2023, Hội nghị COP 28 năm nay đã trở thành Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự đông đảo của gần 140 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ và khoảng 90.000 đại biểu. Sự tham gia và đóng góp của Đoàn Việt Nam cho thấy trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.

Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu, hệ thống khí hậu đang tiến gần đến giới hạn đỏ, trong khi còn có những khoảng cách lớn giữa các cam kết của các nước đã đưa ra với hành động trên thực tế. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị, Việt Nam cũng đã tham gia một số sáng kiến hợp tác đa phương mới nhằm mở ra một số cơ hội hợp tác mới về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn khác nhau, với những thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng quốc tế. Đó là phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt, việc đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh những năm qua càng chứng tỏ đây là thách thức không biên giới, là vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu và là vấn đề của toàn dân. Chúng ta phải có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu, toàn dân.

Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc mình là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế là quan trọng và đề cao chủ nghĩa đa phương; lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, chủ thể, không để bất cứ quốc gia nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau. Đa dạng hóa huy động nguồn lực, kết hợp công và tư, kết hợp trong và ngoài nước, song phương và đa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là nguồn lực từ tư nhân.

Các quốc gia phát triển phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia, không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế cho quá trình chuyển đổi. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa, không bị động, không trông chờ, không ỷ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự chủ, tự vươn lên với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính bản thân mình.

Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm công bằng, công lý về chống biến đổi khí hậu, giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu, giữa nhu cầu phát triển và chuyển đổi xanh. Điều đó đồng nghĩa với đảm bảo tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phù hợp, hiệu quả cho mọi doanh nghiệp, người dân và với mỗi quốc gia.

Riêng với Nhóm các nước G77, Thủ tướng nhấn mạnh cần đưa nội hàm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong G77. Đây là giải pháp đột phá, căn cốt, dẫn dắt quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh, tuần hoàn, bền vững. Đồng thời, thúc đẩy tài chính ưu đãi cho ứng phó với biến đổi khí hậu để làm đòn bẩy, giúp mở khoá các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng chia sẻ về những việc Việc Nam đã làm để thể hiện Việt Nam thực sự có quyết tâm, triển khai quyết liệt các hành động một cách hiệu quả; không chỉ cam kết qua lời nói mà có những hành động rất cụ thể để triển khai thực hiện các cam kết đó.

Kể từ sau COP 26 ở Glasgow, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhưng bằng trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai 12 biện pháp lớn, toàn diện thuộc 3 nhóm nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế.

Nhóm thứ nhất là về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện: (1) Chiến lược biến đổi khí hậu; (2) Chiến lược tăng trưởng xanh; (3) Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; (4) Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo (như nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở vật chất...).

Nhóm thứ hai gồm: (1) Xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); (2) Thành lập Ban Thư ký; công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực cho Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trở thành một trong ba nước đang phát triển đầu tiên tham gia JETP và là nước đầu tiên công bố Kế hoạch thực hiện JETP; (3) Ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (nhất là khí methane) được đánh giá là dự án hình mẫu về nông nghiệp xanh trên thế giới.

Nhóm thứ ba về xây dựng thể chế, gồm xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo; đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Thời gian không chờ đợi. Khó khăn, thách thức ngày càng nhiều, phức tạp và khó lường hơn. Vì vậy, chúng ta đã đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã hành động rồi thì phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng nhiều hơn nữa; vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, vì sự mát lành của Trái Đất và vì sự ấm no, hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới", Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh COP 28.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hình mẫu về quan hệ đối tác Bắc – Nam trong chuyển đổi năng lượng, cũng như thúc đẩy các cơ chế hợp tác Nam - Nam và ba bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu với các nước G77.


Tác giả: Cẩm Thạch

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website