A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025

Với mục tiêu đến năm 2025, phát triển ngành công nghiệp môi trường thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của Thành phố, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh, ngày 20/11 UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Thành phố; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ. Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường Thủ đô, phát triển các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60-70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70-80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50-60 % nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60-70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40-50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60-70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20-30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường. Phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của Thành phố về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: (i) Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường; (ii) Phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; (iii) Kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường; (iv) Thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường; (v) Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp môi trường đầu tư trên địa bàn thành phố; (vi) Phát triển dịch vụ môi trường; (vii) Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Để thực hiện Kế hoạch, UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch; định kỳ hằng năm, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Công Thương kết quả thực hiện; Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghiệp môi trường; sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, rà soát các doanh nghiệp công nghiệp môi trường; đề xuất thu hút đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ và phát triển các dự án công nghiệp môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, lồng ghép việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển công nghiệp môi trường trong Kế hoạch này vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển bền vững.

UBND thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghiệp môi trường chủ động phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã của thành phố để được hỗ trợ, tham gia thực hiện nội dung của Kế hoạch.


Tác giả: Kim Ngân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website