Đẩy mạnh truyền thông về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Hiện nay, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và vận động các gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh... phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn theo phương thức phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng các quy định của pháp luật kể từ ngày 01/01/2025.
Kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội hưởng ứng Luật Bảo vệ môi trường
Diễn đàn Môi trường năm 2024 vừa được tổ chức đầu tháng 6/2024 là sự kiện thường niên hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với lời kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội hưởng ứng thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có nhiều sáng kiến áp dụng trong phân loại rác, tái chế, xử lý CTRSH để bảo vệ môi trường.
Diễn đàn nhận được nhiều tham luận và các ý kiến thảo luận của các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, WB tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ tình hình thực tế tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp môi trường, xử lý chất thải, phát triển công nghệ đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế CTRSH.
Phân loại rác tại nguồn phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31/12/2024
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên 67.877,34 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh 38.143,05 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 56,19%; khu vực nông thôn phát sinh 29.734,30 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 43,81%.
Hiện tại, hệ thống quản lý chất thải rắn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các nguyên nhân như: thiếu các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh; Thiếu phương pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến và phù hợp và nguồn lực phân bổ cho công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy xử lý CTRSH hướng đến nền kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.
Khi CTRSH được phân loại và trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác, sẽ trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cần sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư
Luật BVMT năm 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Theo đó, coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu đã được phân loại; Tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Thực hiện triệt để nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền, người thải nhiều chất thải thì phải trả tiền nhiều.
Sau hơn 2 năm kể từ khi Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực, để thúc đẩy quản lý CTRSH và phân loại CTRSH từ các hộ gia đình, cá nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động để xây dựng mô hình phân loại chất thải, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý CTRSH.
Theo Điều 79 của Luật BVMT, việc phân loại rác tại nguồn phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Như vậy, từ nay đến khi quy định phân loại rác tại nguồn buộc phải triển khai còn chưa đầy 6 tháng. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn rất băn khoăn khi công tác chuẩn bị đến thời điểm này gần như bằng không.
Theo ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thực hiện công tác phân loại CTRSH ở các địa phương hiện nay còn gặp nhiều thách thức, khó có thể thực hiện sau ngày 31/12/2024 do hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ; thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; Nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt…
Do vậy, Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, để các địa phương thực thi công tác phân loại CTRSH hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế từ chất thải sau phân loại cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ của 3 bên: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Để thực hiện thành công, hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, các cấp, các ngành cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; bảo đảm các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đồng bộ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Chính quyền các địa phương cần triển khai thực hiện đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt; đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng để có cách triển khai, lộ trình thực hiện phù hợp.