A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải không qua xử lý ra môi trường

Tại cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mới đây do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, các đại biểu đến từ Bộ Công Thương và nhiều Bộ, ngành đều thống nhất với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải đủ sức răn đe đối với hành vi cố tình vi phạm, hủy hoại môi trường, đồng thời, nghiêm trị các hành vi cố tình lắp đặt thiết bị, đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được kế thừa nội dung các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội về thực thi chính sách pháp luật trong bảo vệ môi trường như: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Vi phạm các quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường; Vi phạm các quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường; Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Vi phạm quy định bảo vệ môi trường biển.

Toàn cảnh buổi làm việc (nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được xây dựng với 4 chương, 76 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này, bao gồm: Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường; các hành vi gây ô nhiễm môi trường; các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung; các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản; các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.

Theo Dự thảo, một số quy định được chỉnh sửa như: Hình thức, thời hiệu, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (cập nhật Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi). Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề. Vi phạm các quy định về phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ soạn thảo đã đưa vào dự thảo Nghị định các quy định xử phạt mới đối với các hành vi phạm quy định về Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, đánh giá tác động môi trường. Vi phạm các quy định về xây dựng, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường và vận hành công trình bảo vệ môi trường. Vi phạm quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Vi phạm Dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng...

Để đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi cố tình vi phạm, dự thảo Nghị định đưa ra quy định: Sẽ tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với các vi phạm xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường kéo dài; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị định chỉ hoạt động theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với các nhóm hành vi: xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo Giấy phép môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải theo quy định; hành vi không thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ; hành vi thực hiện dịch vụ quan trắc môi trường mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định.

Việc xác định lợi thu được từ các hành vi phạm không xây lắp, lắp đặt công trình bảo vệ môi trường; không vận hành, vận hành không đúng công trình bảo vệ môi trường bao gồm: kinh phí đầu tư công trình bảo vệ môi trường, chi phí vận hành, chi phí kinh tế thu được lợi nhuận trong thời gian vi phạm, lợi thế cạnh tranh.

Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã nhận được ý kiến tham gia của 16 Bộ, ngành, 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 01 tập đoàn nhà nước, 01 tổ chức xã hội gửi ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định. Tổ biên tập đã tiếp thu, giải trình đối với nội dung góp ý của các đơn vị và sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 11/2021.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản với nhiều ý kiến chi tiết, cụ thể nhằm góp ý dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó, có những góp ý về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường công thương. Bộ Công Thương đã đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương, của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành Công Thương thực hiện các quy định bảo vệ môi trường vào dự thảo Nghị định.

 


Tác giả: Anh Thư

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website