A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP: Tạo điều kiện thuận lợi hơn khi triển khai các chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, có một số ý kiến đề nghị rà soát để tiếp tục tăng cường phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về môi trường, cắt giảm TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai một số chính sách mới của Luật BVMT.

Luật BVMT từng bước đi vào cuộc sống

Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT, có hiệu lực ngày 01/01/2022 và thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật BVMT năm 2020 tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT ở nước ta. Để bảo đảm thi hành Luật hiệu quả, ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 08), với 13 Chương 169 Điều, quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Đến nay, việc triển khai các quy định, chính sách mới của Luật BVMT đã từng bước đi vào cuộc sống, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức của người dân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác BVMT.

Triển khai Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08.

Dự thảo Nghị định sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện cắt giảm TTHC, đẩy mạnh việc phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực BVMT; tạo điều kiện thuận lợi hơn khi triển khai các chính sách mới của Luật BVMT; bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của luật về BVMT.

Luật BVMT năm 2020 tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT

Dự thảo Nghị định sửa đổi bám sát các quan điểm chỉ đạo sau: Cải cách TTHC cho người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 131/NQ-CP thông qua việc cắt giảm đối tượng phải thực hiện TTHC trong lĩnh vực môi trường; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương giải quyết một số TTHC về môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 131/NQ-CP; sửa đổi để tạo thuận lợi hơn khi triển khai các quy định, chính sách mới về BVMT; rà soát, chỉnh lý một số lỗi kỹ thuật soạn thảo văn bản. Việc sửa đổi các nội dung bảo đảm không thay đổi chính sách lớn, không mở rộng đối tượng chịu tác động của chính sách đã được ban hành và áp dụng ổn định.

Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 04 Điều. Dự thảo sửa đổi 47 điều/169 điều, trong đó sửa đổi 01/03 điều tại Chương I; sửa đổi 03/18 điều tại Chương II; sửa đổi 08/11 điều tại Chương III; sửa đổi 08/23 điều tại Chương IV; sửa đổi 06/21 điều tại chương V; sửa đổi 10/12 điều tại chương VI; sửa đổi 03/10 điều tại chương VII; sửa đổi 01/13 điều tại chương IX; sửa đổi 01/30 điều tại chương X; sửa đổi 03/09 điều tại chương XI; sửa đổi 02/07 điều tại chương XII; sửa đổi 01/03 điều tại chương XIII; sửa đổi 16/34 phụ lục của Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Các nội dung sửa đổi bổ sung tập trung vào quy định giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép môi trường (GPMT); Đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tạo thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện...

Sửa đổi Nghị định 08 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật BVMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, có một số ý kiến đề nghị rà soát để tiếp tục tăng cường phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương trong giải quyết TTHC về môi trường, cắt giảm TTHC cho người dân, doanh nghiệp và thuận lợi hơn cho việc triển khai một số chính sách mới của Luật BVMT 2020.

Các ý kiến đó đề xuất tập trung vào các vấn đề sau:

Về dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên: đề xuất việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cận dưới của quy mô chuyển đổi diện tích đất trồng lúa nước 02 vụ trở lên trong Nghị định 08 để giảm đối tượng phải thực hiện TTHC.

Về dự án có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước: đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng nâng mức quy mô khai thác nước dưới đất, nước mặt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lên mức cao hơn để cắt giảm TTHC về môi trường cho tổ chức, cá nhân.

Về loại hình dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp: nhằm tạo sự chủ động của địa phương, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương trong kiểm soát các vấn đề môi trường, đồng thời giảm thời gian giải quyết TTHC cho chủ dự án theo quy định của Luật BVMT, nhiều ý kiến đề xuất rà soát, nâng mức công suất của loại hình này.

Về loại hình dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử: Đây là loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và được kế thừa tại Phụ lục II Nghị định 08. Hiện nay, Nghị định 08 quy định dự án thuộc loại hình này có công suất lớn (từ 1 triệu thiết bị, linh kiện/năm hoặc 1.000 tấn sản phẩm/năm) thuộc nhóm I và thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM (Đánh giá tác động môi trường) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quá trình thực hiện cho thấy, với mức tính công suất lớn dựa trên số lượng thiết bị linh kiện điện tử theo quy định hiện hành là khá phổ biến đối với các dự án đầu tư mới. Bên cạnh đó, đặc thù của loại hình này về cơ bản là đầu tư vào các khu công nghiệp nên nước thải hầu hết được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp; vấn đề cần tập trung kiểm soát, đánh giá là khí thải, chất thải rắn. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh loại hình này để giảm đối tượng phải thực hiện thủ tục hành chính và tăng cường phân quyền cho các địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính là cần thiết.

Về đối tượng phải cấp giấy phép môi trường: các ý kiến cho rằng cần thiết bổ sung thuật ngữ nhằm làm rõ hơn quy định đối tượng phải có giấy phép môi trường để thống nhất áp dụng chung và giảm đối tượng là các trụ sở cơ quan hành chính.

Ngoài các nội dung nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy một số nội dung có thể được rà soát để sửa đổi nhằm hoàn thiện hơn các quy định, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT liên quan đến quy định trong thực hiện ĐTM và một số quy định trong thực hiện giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung về một số nội dung khác về BVMT di sản thiên nhiên; Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu…

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy cần bổ sung, làm rõ hơn quy định đối với một số nội dung có liên quan đến giải thích thuật ngữ; quy định cụ thể đối với một số loại hình sản xuất để xác định nhóm dự án đầu tư theo tiêu chí phân loại về môi trường; trách nhiệm BVMT của các cơ quan trong việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; BVMT trong các lĩnh vực; quy định cụ thể về lộ trình hạn chế nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; một số nội dung về quản lý chất lượng môi trường; quản lý chất thải; khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình… đồng thời tích hợp việc chỉnh lý một số lỗi kỹ thuật soạn thảo tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP để đồng bộ, thống nhất.

Vì các lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan.


Tác giả: Hải Phong

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website