A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), qua đó lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, mục đích của việc sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực BVMT; tạo điều kiện thuận lợi hơn khi triển khai các chính sách mới của Luật BVMT; bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về BVMT.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Các quy định sửa đổi, bổ sung để giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Dự thảo Nghị định gồm 4 điều và phần phụ lục, trong đó đã điều chỉnh tên loại hình sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử theo hướng chỉ áp dụng cho các dự án có một trong các công đoạn gây ô nhiễm.

Đồng thời, Dự thảo cũng quy định rõ đơn vị tính số lượng áp dụng cho sản xuất linh kiện điện tử, khối lượng áp dụng cho sản xuất thiết bị điện và nâng mức công suất so với quy định hiện hành, qua đó sẽ giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, chỉnh lý, làm rõ hơn tên một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn khi tra cứu.

Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi đã đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua việc sửa đổi một số tiêu chí về quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử và một số loại hình khác.

Đối với quy định về yếu tố nhạy cảm về môi trường, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung Điều 25, trong đó quy định rõ tên đơn vị hành chính là khu dân cư tập trung và bổ sung quy định không áp dụng yếu tố nhạy cảm về môi trường là tiêu chí nội thành, nội thị đối với trường hợp dự án thứ cấp mà không phát sinh bụi, khí thải phải xử lý; đồng thời quy định cụ thể chỉ trường hợp dự án xả nước thải vào nguồn nước mặt phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt không qua đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu vực mới là các yếu tố nhạy cảm về môi trường.

Dự thảo Nghị định cũng đã sửa đổi quy định về báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường cho 3 đối tượng thay vì 5 đối tượng như hiện nay (dự án nhóm III và cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III được lồng ghép chung với đối tượng khác). 

Sửa đổi quy định cụ thể hơn về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường  đối với dự án đầu tư mở rộng, các dự án đầu tư, cơ sở có cùng địa điểm, các dự án đầu tư sát nhập/chia tách; bổ sung quy định về việc quan trắc chất thải sau xử lý trước khi xả thải ra môi trường trong quá trình kiểm tra cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở; thay đổi phương thức thẩm định cấp giấy phép môi trường theo hướng thành lập đoàn kiểm tra đối với đối tượng đã đánh giá tác động môi trường nhưng có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thành lập Hội đồng thẩm định đối với trường hợp còn lại; bổ sung thời hạn tối đa để chủ dự án đầu tư, cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và gửi cơ quan cấp phép (12 tháng kể từ ngày có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung của cơ quan cấp giấy phép môi trường).

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định về tham vấn trong đánh giá tác động môi trường. Theo đó, đối tượng được tham vấn là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: Cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; Cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; Cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; Cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường.


Nguồn:Tạp chí tài chính Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website