Thúc đẩy xử lý, tiêu thụ thạch cao của các nhà máy hóa chất, phân bón
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, khuyến khích xử lý và tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy xử lý, tiêu thụ thạch cao của các nhà máy hóa chất, phân bón, góp phần bảo vệ môi trường.
Những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý, tiêu thụ thạch cao PG
Theo Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay (theo số liệu tính đến hết tháng 8 năm 2021), một số nhà máy sản xuất phân bón DAPs chính của Việt Nam đang hoạt động gồm: Nhà máy DAP - Vinachem tại Đình Vũ, Hải Phòng, nhà máy DAP 2 - Vinachem tại Lào Cai, Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang - Lào cai, đang tồn chứa khoảng 8,2 triệu tấn bã Gyps (thạch cao PG).
Trong 03 nhà máy sản xuất phân bón DAP, hiện có Công ty DAP-Vinachem tại Đình Vũ, Hải Phòng đã đầu tư thành lập Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ với dây chuyền chế biến thạch cao, được vận hành chính thức từ năm 2017 (công suất thiết kế 750.000 tấn/năm thạch cao dạng viên).
Tuy nhiên, trong các năm từ 2017-2020, lượng thạch cao nhân tạo được tiêu thụ còn khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 30% công suất thiết kế, trong năm 2021, lượng tiêu thụ thạch cao nhân tạo cao hơn các năm trước và đạt xấp xỉ công suất thiết kế của dây chuyền.
Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mục tiêu đến năm 2020, các nhà máy phải xử lý chất thải Gyps đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ nhỏ hơn lượng phát thải của 02 năm sản xuất. Theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất phân bón, hóa chất phải đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ nhỏ hơn lượng phát thải của 02 năm sản xuất.
Trong thực tế sản xuất, hầu hết các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất vẫn chưa vận hành theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt, đặc biệt là đối với phần diện tích bãi thải tạm thời chất thải Gyps.
Về đặc tính hóa học, thạch cao PG (hay còn gọi là bã gypsum) là sản phẩm loại bỏ sau khi thu hồi P2O5 trong quặng apatit, thành phần thạch cao PG chủ yếu là CaSO4 (chiếm 85,6%). Thạch cao PG mới phát sinh phải lưu giữ từ 3-5 năm để phong hóa ổn định cấu trúc và tăng độ pH (từ 2 lên 4-5) mới đủ điều kiện làm đầu vào chế biến thành thạch cao nhân tạo. Do đó, việc cấp bãi chứa chỉ cho 2 năm vận hành chưa đủ thời gian để phong hóa Gyps làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Về công nghệ sử dụng Gyps, hiện nay Bộ Xây dựng mới ban hành tiêu chuẩn quốc gia sử dụng thạch cao PG để sản xuất xi măng (TCVN 11833:2017) và vẫn đang xây dựng tiêu chuẩn quốc gia sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san lấp cho các công trình giao thông, dự kiến ban hành trong năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được.
(Ảnh: Internet)
Một số giải pháp của Bộ Công Thương trong thúc đẩy xử lý, tiêu thụ thạch cao của các nhà máy hóa chất, phân bón
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, khuyến khích xử lý và tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương cũng đã ban hành nhiều văn bản thúc đẩy xử lý, tiêu thụ thạch cao của các nhà máy hóa chất, phân bón như:
Ban hành Quyết định số 2056/QĐ-BCT ngày 14 tháng 6 năm 2018 hướng dẫn xây dựng đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ; Phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu để Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ liên quan ban hành và công bố 22 tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật được ban hành về sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (phụ gia xi măng, phụ gia bê tông và vữa, gạch bê tông) và sử dụng trong công trình xây dựng (vật liệu gia cố đất, san lấp, hoàn nguyên mỏ); Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện; Thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm làm từ tro, xỉ của các NMNĐ; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các hướng dẫn thi hành về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo hướng “tái chế, tái sử dụng phế liệu, chất thải, và coi đó là nguồn tài nguyên” đối với các loại tro, xỉ, thạch cao… của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất.
Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất cụ thể:
Một là, cho phép các nhà máy được thực hiện theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt.
Hai là, chỉ đạo Bộ Xây dựng sớm trình ban hành tiêu chuẩn quốc gia sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san lấp cho các công trình giao thông làm căn cứ để các nhà máy công bố hợp chuẩn và tiêu thụ Gyps.
Ba là, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm “ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao, chất thải công nghiệp thông thường khác và chất thải nguy hại để hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường” theo quy định tại Khoản 26 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.
Bốn là, chỉ đạo các địa phương ban hành các cơ chế, chính sách huyến khích sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ làm các vật liệu trong các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và san lấp các công trình công ích, thúc đẩy đầu tư các dự án xây dựng cảng xuất tro, xỉ theo đường biển và đường thủy nội địa để giảm cước phí vận tải...