Nâng cao hiệu quả thực tiễn trong các đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ ngành Công Thương
Thời gian qua, ngành Công Thương đã triển khai nhiều đề án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong hầu khắp các lĩnh vực, mang lại hiệu quả ứng dụng thực tiễn cao, góp phần tăng trưởng nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1
Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai đồng bộ 9 chương trình/Đề án khoa học công nghệ cấp quốc gia, 2 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ như: Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Đề án Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025; Dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” thuộc Chương trình nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, v.v...
Các đề án, chương trình đều thu được những thành tựu to lớn về nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Nhiều sản phẩm ứng dụng mang tầm khu vực và quốc tế, góp phần phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất của thế giới đã được áp dụng, đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành. Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm; đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018. Trong khai thác hầm lò, mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa được nâng cao thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới: sử dụng vì chống tiên tiến giá khung, giá xích, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy khấu, máy bào; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò.
Trong lĩnh vực năng lượng điện, các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành việc triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới...
Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học đã khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức khoa học công nghệ ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Điển hình như: công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện, đã áp dụng thành công…
Trong lĩnh vực hóa dược, hoạt động khoa học công nghệ đã mang lại những giá trị thiết thực với nhiều kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, cho sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu và giá cả cạnh tranh. Một số sản phẩm điển hình được thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học như: viên nang mềm Cebraton có tác dụng hoạt huyết dưỡng não (Công ty Traphaco); sản phẩm thuốc an thần ASAKOYA điều trị mất ngủ (Công ty Dược phẩm Mediplantex); chế phẩm phòng chống khối u từ cây Hoàn ngọc; sản phẩm dầu gấc (Công ty Vimedimex);…
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh so với giá sản phẩm nhập ngoại cùng loại, dần chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam. Thành công của Đề án là tiền đề quan trọng để Đảng và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp sinh học.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, việc triển khai “Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao” đã giúp các doanh nghiệp làm chủ, phát triển công nghệ cao, áp dụng/ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất đã làm tăng hiệu quả, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi giảm được giá thành khi so sánh với các sản phẩm nhập ngoại, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tạo ra, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp …
Đặc biệt, Đề án công nghệ sinh học đã có hơn 300 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, hội thảo trong nước và gần 40 bài báo đăng trên các tạp chí và hội thảo ngoài nước; thông qua quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Đề án, Chương trình đã phối hợp đào tạo trong nước được 45 tiến sĩ; 99 thạc sĩ và gần 90 kỹ sư, cử nhân thuộc lĩnh vực công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, công nghệ thực phẩm, công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi và gia súc... số lượng đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc giải pháp hữu ích của Đề án đạt trên 20 đăng ký.
Để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu trong tình hình mới, trong giai đoạn tới, các hoạt động khoa học công nghệ ngành Công Thương sẽ được triển khai tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Trong đó, xây dựng và quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030; các chương trình, đề án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030: Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021- 2030.