A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu dịp cuối năm

Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu gia tăng, các đối tượng sẽ lợi dụng để sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng…

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình phối hợp với lực lượng công an kiểm tra số rượu ngoại bị thu giữ ngày 15/12

Thời gian qua, việc quản lý sản phẩm rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2017. Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan hướng dẫn thực hiện. Tại nghị định này, Chính phủ giao Bộ Công Thương phụ trách công tác quản lý an toàn thực phẩm với rượu, Bộ Y tế được giao việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng chống tác hại của rượu.

Rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh, do đó từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thống nhất việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh rượu thông qua việc cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Đến nay, hoạt động kinh doanh rượu đã cơ bản được tổ chức ổn định, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, dự báo những tháng cuối năm, là thời điểm người dân thường tổ chức các cuộc liên hoan, tổng kết, tất niên… Do vậy nhu cầu sử dụng rượu gia tăng, các đối tượng sẽ lợi dụng để sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý nhà nước luôn tăng cường công tác quản lý rượu dịp cuối năm. Tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm” mới đây, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian vừa qua, có thể nói, mặt hàng rượu nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung là lĩnh vực được Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Cục Quản lý thị trường đặc biệt quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, người dân.

Trước tình hình ngộ độc rượu có dấu hiệu gia tăng trong dịp cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, gồm các cục quản lý thị trường ở các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu. Trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành ký cam kết, tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh hiểu được tác hại của việc sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tuyên truyền cho người dân nên mua những sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước.

“Người tiêu dùng không nên lạm dụng rượu thủ công tự nấu để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Bởi vì, sản phẩm rượu thủ công đôi khi lẫn những tạp chất độc hại, không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng”- ông Nguyễn Đức Lê lưu ý.

Thông tin thêm về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh rượu, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ bước sang năm 2023, Bộ Công Thương thành lập 2 đoàn kiểm tra, một đoàn do Vụ khoa học Công nghệ đơn vị đầu mối về an toàn thực phẩm của ngành Công thương và một đoàn do Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì.

“Chúng tôi chú trọng kiểm soát rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát kinh doanh mặt hàng rượu trên sàn thương mại điện tử. Bởi vì, quản lý chất lượng đối với cái hình thức kinh doanh này cũng còn gặp nhiều gặp nhiều khó khăn”- ông Nguyễn Việt Tấn chia sẻ và cho biết thêm, đối với vấn đề hậu kiểm, chúng tôi tập trung chỉ đạo kiểm tra về quy trình tự công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm, hồ sơ tài liệu pháp lý có liên quan. Quá trình kiểm tra công tác sản xuất, chế biến, nguyên liệu đầu vào… đều được các đoàn kiểm tra hết sức quan tâm

Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi tập trung vào các cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và cả những cơ sở thuộc đối tượng không phải cấp giấy cơ sở đủ điều kiện. Tuy nhiên, đối với mặt hàng rượu, sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ cũng đang tồn tại khá nhiều, rượu thủ công cũng được người dân theo thói quen sản xuất. Theo quy định pháp luật của Việt Nam, cơ sở này phải có bản cam kết đối với các cái cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Các đợt kiểm tra của ngành công thương, lực lượng quản lý thị trường đều tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ này, để đảm bảo cơ sở đó chấp hành đúng quy định.

Để giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc xảy ra với doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông Nguyễn Việt Tấn khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước sản phẩm, chế độ an toàn về sản phẩm mà đơn vị sản xuất ra.

Cùng đó, các tổ chức, cá nhân phải thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn hàng, bao bì theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn nếu có bởi mọi hành vi vi phạm đều có chế tài xử phạt rõ ràng.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chia sẻ, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động về sản xuất, kinh doanh những sản phẩm rượu không đảm bảo chất lượng.

Thời gian tới, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp cũng mong muốn phía Bộ, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục vào cuộc, nhất là dịp tết đến, xử lý nghiêm hơn, phát hiện và xử lý nghiêm những vụ việc sai phạm, những hành vi sản xuất, kinh doanh những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó là tuyên truyền đến người dân để họ hiểu hơn, phân biệt sản phẩm rượu có chất lượng, rượu không đảm bảo chất lượng.

Đối với người tiêu dùng cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sản phẩm đảm bảo chất lượng về an toàn thực phẩm; Lựa chọn những sản phẩm có tên tuổi của những doanh nghiệp uy tín, có đầy đủ nhãn mác, địa chỉ rõ ràng, để có thể truy xuất được, hãy là người tiêu dùng thông thái và sử dụng sản phẩm có trách nhiệm”- bà Chu Thị Vân Anh chia sẻ.


Tác giả: Phương Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website