Các tiêu chuẩn xanh của EU: Thách thức mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt
EU hiện đang là khu vực đi đầu trong việc thực hiện các tiêu chuẩn xanh và bền vững. Ứng phó với việc chuyển đổi xanh đáp ứng những tiêu chuẩn xanh của EU cũng sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận những cơ hội kinh doanh mới.
Nhiều thách thức hiện hữu
Bước sang năm thứ tư thực hiện Thỏa thuận Xanh, EU đã ban hành nhiều chính sách tác động trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu. Đáng chú ý là Chiến lược "Từ trang trại đến bàn ăn" (Farm to Fork - F2F) và Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới (new Circular economy action plan – CEAP), tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất chế biến. Bên cạnh đó, các chính sách về đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) và quản lý chất thải cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Dự kiến, danh sách các chính sách này sẽ còn tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững vào năm 2050.
Có thể nói, Thỏa thuận Xanh Châu Âu đã và đang tạo ra những thay đổi lớn đối với hoạt động thương mại toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường. Từ các sản phẩm nông nghiệp đến công nghiệp, tất cả đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn bền vững cao nhất. Điều này vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, các nhóm sản phẩm như điện tử, công nghệ thông tin, nông sản, thực phẩm (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt…) và dệt may sẽ chịu tác động mạnh nhất. Các sản phẩm này sẽ phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe về hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải, và sử dụng nguyên liệu tái chế. Ví dụ, các sản phẩm điện tử phải được thiết kế để dễ dàng sửa chữa và tái chế, trong khi nông sản phải được trồng theo phương pháp hữu cơ và không sử dụng hóa chất độc hại. Các loại sản phẩm hóa chất (bao gồm phân bón, pin, ắc quy), các loại sản phẩm vật liệu xây dựng (bao gồm sắt thép, nhôm, xi măng) và bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất…) cũng được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới.
Để tiếp cận thị trường này, các doanh nghiệp không chỉ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn phải chứng minh được rằng sản phẩm của họ thân thiện với môi trường và được sản xuất theo các quy trình bền vững. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, việc đáp ứng các yêu cầu này cũng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng trên toàn cầu.
Mở ra nhiều cơ hội
Mặc dù các yêu cầu xanh của EU đặt ra nhiều thách thức, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và từ sớm, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng. EU thường công bố dự thảo chính sách và mở cửa cho ý kiến đóng góp từ rất sớm, giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng. Hơn nữa, lộ trình triển khai các chính sách này thường diễn ra dần dần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện từng bước. Không chỉ vậy, nhiều tiêu chuẩn xanh chỉ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi một số quy trình làm việc hoặc cách thức khai báo thông tin, chứ không nhất thiết đòi hỏi đầu tư quá lớn. Thậm chí, một số tiêu chuẩn mới của EU đã từng là những tiêu chuẩn tự nguyện mà doanh nghiệp đã thực hiện trước đó để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu doanh nghiệp nhìn nhận đây là một xu hướng, dòng chảy chính không thể thay đổi của thế giới, chúng ta muốn phát triển bền vững và lâu dài phải đi theo dòng chảy đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải nhận thức và phải mạnh dạn tìm hiểu để thực hiện thì sẽ hiệu quả hơn. Thay đổi góc độ nhìn nhận và ứng phó với việc chuyển đổi xanh đáp ứng những tiêu chuẩn xanh của EU cũng sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận những cơ hội kinh doanh mới.
Mặt khác, việc người tiêu dùng thay đổi nhận thức và đặt ra những yêu cầu về sản phẩm xanh và bền vững đôi khi còn đi trước cả những yêu cầu bắt buộc của các Chính phủ. Với xu hướng tiêu dùng đó, thị trường sản phẩm xanh bền vững là một thị trường đang rất hứa hẹn, ít cạnh tranh hơn.
Bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cho rằng, khi nhận thức được rằng đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để có thể bắt kịp với những xu thế của tương lai và cơ hội để tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ có sự chủ động chuyển đổi từ nhận thức đến xây dựng năng lực, rà soát lại toàn bộ quy trình quản trị, thực hành sản xuất của mình… sau đó mới đến chuyển đổi công nghệ là bước cuối cùng cần đến nhiều chi phí nhưng cũng có lộ trình, không phải chuyển đổi nhanh và ngay lập tức.
Sự chủ động của doanh nghiệp cũng giữ vai trò quan trọng trong lộ trình chuyển đổi xanh. Để có được những bước chuyển đổi hiệu quả nhất đáp ứng các tiêu chuẩn xanh từ phía EU thì doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động.
Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có những hỗ trợ về mặt chính sách tài khóa, ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tư vấn hướng dẫn quy trình thực hiện… đối với những doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ nguồn lực từ những tổ chức quốc tế. Các bộ, ngành liên quan có thể giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp với những kênh có thể huy động tài chính để doanh nghiệp có được sự hỗ trợ, ưu đãi trong thực hiện chuyển đổi xanh.