A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp ngành hoá chất đẩy mạnh sản xuất xanh, tăng trưởng bền vững

Thị trường trong và ngoài nước liên tục có những quy định mới liên quan tới sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, đòi hỏi hàng hóa phải có những giải pháp thích ứng. Đặc biệt, với ngành hoá chất, yêu cầu về tiêu chuẩn xanh còn được đặt ra khắt khe hơn rất nhiều. Doanh nghiệp ngành hoá chất đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu sản xuất và tăng trưởng xanh.

Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng nhờ đầu tư tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải

Hoá chất là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của cả nước, cũng là một trong những lĩnh vực thuộc ngành Công Thương tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng. Ông Phùng Ngọc Bộ - Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, thời gian qua, Tập đoàn đã có những chỉ đạo định hướng và hoạt động thiết thực trong công tác kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK).

Cụ thể, về kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính, Vinachem ban hành các văn bản số 302/HCVN-KT ngày 15/3/2023 về việc báo cáo số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cho các năm 2020 và 2022 để chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai thực hiện theo quy đinh; văn bản số 1414/HCVN- 71 KT ngày 29/9/2023 về việc xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023 đến 2025 nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải KNK theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nhằm giảm phát thải KNK (CO2) thông qua chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, Vinachem ban hành văn bản số 200/HCVN-KT ngày 23/2/2024 về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ…

“Kết quả cho thấy, trong công tác kiểm kê KNK, các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện cung cấp số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương theo quy định. Trong công tác giảm nhẹ phát thải KNK, các doanh nghiệp đã triển khai tuyên truyền các nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật vào năm 2023 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tích cực trồng cây xanh tại các nhà máy sản xuất lớn hơn 15% diện tích mặt bằng nhà máy” – ông Phùng Ngọc Bộ thông tin.

Các đơn vị thành viên có phát sinh lượng KNK lớn như Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình và Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2 (dạng rắn, lỏng) phục vụ cho các ngành công nghiệp khác; triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, điển hình như tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Miền Nam.

Theo đó, bình quân lượng CO2 thu hồi hàng năm là 30 - 40 nghìn tấn CO2. Song song với đó, Tập đoàn đã triển khai đến tất cả các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đồng loạt trồng cây để tăng khả năng hấp thụ, lưu giữ carbon.

Một số doanh nghiệp đã sử dụng phế phẩm nông nghiệp như trấu, củi trấu, củi mùn cưa để làm nhiên liệu vận hành nồi hơi phục vụ sản xuất trong công nghiệp và có các giải pháp tiết kiệm điện, như nâng cao hiệu suất động cơ điện, chuyển dần chiếu sáng bằng LED tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường.

Về tình hình thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam đã thuê các đơn vị có chức năng xử lý chất thải theo quy định. Công ty CP Cao su Đà Nẵng và Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam đã thực hiện thu gom sản phẩm thải bỏ từ khách hàng tiêu dùng để tái chế tái sử dụng. Đặc biệt, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã có những chính sách hỗ trợ khách hàng xử lý chất thải.

Thứ ba, trong vấn đề là chuyển dịch năng lượng, Tập đoàn đã triển khai các quy định, chủ trương của Nhà nước trong vấn đề chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Đến đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cũng đang triển khai đầu tư hệ thống điện mặt tời áp mái. Hoặc thay thế bóng đèn huỳnh quang sang công nghệ Led tiết kiệm điện. Ngoài ra, một số đơn vị sản xuất phân bón ở miền Nam cũng đã chuyển dịch sử dụng nguyên liệu xanh như là dùng chấu, mùn cưa trong việc sản xuất hơi. Từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp

Đầu tư cho sản xuất và tăng trưởng xanh là hoạt động đòi hỏi mức đầu tư rất cao. Thời gian qua, các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Hóa chất đã được tiếp cận với công nghệ xanh, tín dụng xanh nhằm phục vụ cho hoạt động này.

Tuy nhiên, khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải cũng tương đối là lớn. Đại điện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ, mặc dù đã đầu tư mọi nguồn lực trong nỗ lực cải tiến nhằm giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ môi trường, tuy nhiên với thực tế các thiết bị máy móc trong các dây chuyền của Công ty mặc dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn lạc hậu, điều này khiến Công ty gặp không ít khó khăn. Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK, rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện công tác quản lý, kiểm kê KNK, hướng đến mục tiêu chung của Quốc gia là đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050.

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam nêu thực tế, để chuyển dịch năng lượng thì các đơn vị thành viên sẽ phải đầu tư nâng cấp công nghệ và một vài doanh nghiệp sẽ phải đầu tư mới, đầu tư mới hoàn toàn. Việc này là rất khó trong giai đoạn hiện nay, khi doanh nghiệp vừa gặp khó về vốn đầu tư, vừa gặp khó về công nghệ và kỹ sư vận hành.

Để triển khai hiệu quả hơn các giải pháp đối với hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, Tập đoàn Hóa chất đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển dịch năng lượng.


Tác giả: Lâm Nhi

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website