A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào hành trình chuyển đổi logistics bền vững

Thông điệp này được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Xanh với chủ đề “Giải pháp logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp: Từ nhà máy đến khu công nghiệp và cảng biển” được tổ chức ngày 24/9/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy các giải pháp logistics bền vững, đồng hành cùng chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu "xanh hoá" các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Cao Thị Phi Vân, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh Giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Thành phố hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Với kế hoạch này, TP. Hồ Chí Minh đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh, và hệ sinh thái Cần Giờ xanh. Đây đều là những nhiệm vụ cấp thiết giúp thúc đẩy nền kinh tế của Thành phố theo hướng bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Một trong những ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế là việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Các hiệp định này đặt ra yêu cầu cao về quy trình sản xuất với tiêu chí năng lượng xanh và nguyên liệu sạch, tạo ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong việc đổi mới quy trình sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về bền vững.

Hiện tại TP. Hồ Chí Minh có hơn 400.000 doanh nghiệp trong đó có gần 20.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là địa phương có lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, thu ngân sách lớn nhất cả nước.

Từ mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xanh, TP. Hồ Chí Minh đã và đang phối hợp cùng các đối tác trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu phát triển trên cơ sở tính chất đặc trưng vùng miền và địa lý khu vực để tìm ra hướng phát triển xanh phù hợp. Tại TP. Hồ Chí Minh, sự phát triển xanh không chỉ là giải pháp để bảo vệ môi trường mà còn là động lực thúc đẩy chuyển dịch chất lượng phát triển kinh tế, hướng đến một xã hội phát triển bền vững.

Thời gian qua, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 16-19%/năm, chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu, chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng trong sản xuất, thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, đây cũng là ngành có mức độ ô nhiễm cao, do đó, việc giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường sống, phát triển “logistics xanh” là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững, đồng thời là mục tiêu sống còn và là tiêu chí quan trọng đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Xanh, TP. Hồ Chí Minh khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng tham gia vào hành trình chuyển đổi logistics bền vững, từ nhà máy, khu công nghiệp đến cảng biển, góp phần vào sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp xanh, các diễn giả trình bày các chủ đề quan trọng về logistics bền vững và phát triển công nghiệp xanh, như: Tài chính xanh: Tiếp cận lãi suất thấp hoặc tài trợ cho các dự án xanh thông qua sự hợp tác với các tổ chức tài chính EU; Định hướng tăng trưởng xanh lĩnh vực logistics; Giới thiệu giải pháp bao gồm các chủ đề như: năng lượng tự chủ và phương tiện vận tải hiệu quả, hiệu quả từ công nghệ và các giải pháp tích hợp, nhà đầu tư và nhà cung cấp giải pháp xanh; Chuyển đổi xanh ở các quốc gia và bài học kinh nghiệm cho phát triển bền vững ở Việt Nam; Thực tiễn chuyển đổi công nghiệp cho phát triển bền vững trong tương lai...Các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh vai trò của năng lượng tự chủ và phương tiện vận tải hiệu quả như là một giải pháp xanh cho doanh nghiệp. Cuối cùng, chủ đề “Thực tiễn chuyển đổi công nghiệp cho phát triển bền vững trong tương lai” sẽ đưa ra những hướng đi chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài.

Chia sẻ những giải pháp phát triển logistics xanh trên địa bàn TP, ông Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ phía Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế việc sử dụng văn bản in ấn thông thường, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin; xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa hoạt động logistics, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức; hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải; ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển logistics xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng Bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh hay chỉ số năng lực phát triển logistics xanh.

Đặc biệt, từ phía doanh nghiệp cần xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược phát triển logistics xanh; kiểm soát logistics xanh ngay tại kho; cải tiến chất lượng phương tiện vận tải; triển khai công nghệ và công nghệ thông tin tiên tiến; tận dụng các ưu đãi của Nhà nước; hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website