Ngành gỗ: Tăng cường sản xuất xanh để phát triển bền vững
Hiện nay, nhiều thị trường lớn đang tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu cũng như những hàng rào kỹ thuật quan trọng với những mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi xanh để đáp ứng các nhu cầu thị trường.
Doanh nghiệp dần chuyển đổi sang sản xuất xanh
Theo Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân đạt gần 1,4 tỷ USD/tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài thông tin, thời gian qua, Hiệp hội đã và đang có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm khách hàng và đơn hàng. Hiệu lực của EUDR (Quy định của EU không gây mất rừng và suy thoái rừng) đang đến gần, Hiệp hội cũng đang lập kế hoạch tổ chức các đào tạo về thực hiện trách nhiệm giải trình, bảo đảm gỗ hợp pháp khi đưa vào chuỗi cung và chuyển đổi xanh.
Hiện nay, nhiều thị trường lớn đang tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu cũng như những hàng rào kỹ thuật quan trọng với những mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia EU đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu thêm chi phí và doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Do đó, Viforest khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm sản xuất xanh, thương mại xanh, tăng trường xanh và tăng cường chuyển đổi số. Phát triển bền vững sẽ là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng và tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn mới do thị trường đòi hỏi ngày càng cao về tính bền vững, thân thiện với môi trường. Do đó, hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, lấy đây làm lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp đã và đang liên tục đầu tư, đổi mới sản xuất.
Năm 2023, Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (TP Quy Nhơn) là 1 trong 5 doanh nghiệp lớn trong cả nước được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ 200 - 300 triệu đồng/doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi xanh. Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt đã thay đổi một số máy móc, thay hệ thống sấy nhiệt hơi cho lò sấy cũ, qua đó giảm tới 3/4 lượng điện năng tiêu thụ.
Theo ông Lê Minh Thiện, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát triển, cộng đồng DN ngành gỗ Bình Định tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khai thác thêm khách hàng mới, tập trung vào nhóm hàng có giá trị gia tăng cao; tái cấu trúc hoạt động của DN theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất đến tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định khuyến khích các hội viên đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu sau dăm gỗ như ván dăm okal, ván MDF, ván ghép thanh; củng cố thị trường xuất khẩu cho nhóm ngành hàng nhựa đan; hỗ trợ phát triển hài hòa các ngành hàng dăm gỗ, viên nén, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi mua nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ sản xuất.
Ông Dương Xuân Khải, Giám đốc kinh doanh Chi nhánh Bình Dương của Công ty TNHH TM Vĩ Đại (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Từ đầu năm đến nay, công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng của các doanh nghiệp gỗ lớn ở Bình Định trang bị một số máy móc sản xuất gỗ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, phù hợp với tiêu chí xanh do đối tác đặt ra. Riêng các đơn đặt hàng liên quan đến hệ thống máy móc mới ước tính trị giá khoảng 1 triệu USD.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Dù doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã và đang có nhiều dịch chuyển sang sản xuất xanh, song tại các thị trường chính, nhiều quy định liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu ngày càng gần thời điểm hiệu lực. Các quy định bắt buộc tuân thủ khiến nhiều nhà nhập khẩu, người mua hàng tăng cường yêu cầu các nhà xuất khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình, đáp ứng các quy định, tiêu chí nghiêm ngặt. Các quy định này bao gồm: các cơ chế như yêu cầu về điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung, yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC), quản lý dữ liệu về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), đặc biệt là Quy chế sản phẩm hàng hóa không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Gần đây, quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về 2 vụ kiện phạm vi và lẩn tránh thuế tủ gỗ cũng tác động đáng kể đến ngành gỗ trong thời gian tới.
Thực thi các chính sách mới này sẽ tạo ra những khó khăn mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về tiếp cận thông tin và các nguồn lực để đầu tư. Điều này đòi hỏi vai trò tích cực của Hiệp hội và cơ quan quản lý trong việc hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng với các yêu cầu này trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Để hỗ trợ ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của DOC; có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh gỗ Việt sang các thị trường xuất khẩu.