Thỏa thuận Xanh châu Âu: Động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt xanh hóa chuỗi sản xuất dệt may
Đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của Liên minh châu Âu (EU) là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp xuất khẩu nếu muốn tiếp tục tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Mặc dù trước mắt các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, tuy nhiên, trong lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội cho doanh nghiệp dệt may.
Thỏa thuận Xanh châu Âu (The European Green Deal - EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Các chính sách xanh của EU được triển khai trên 9 lĩnh vực chính, trong đó có những lĩnh vực có chính sách xanh bao trùm các chủ thể trong và ngoài EU, như khí hậu, môi trường và đại dương, nông nghiệp…
Là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, EU thực hiện Thỏa thuận Xanh cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Tuân thủ các tiêu chuẩn xanh để giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu dệt may tại thị trường EU
EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Về kim ngạch, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU ghi nhận sự ổn định trong giai đoạn 5 năm qua, tính từ năm 2019 đến năm 2023. Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường EU năm 2019 đạt 3,64 tỷ USD, năm 2020 đạt 3.68 tỷ USD, năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 4,46 tỷ USD, năm 2023 đạt 3,86 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2024 đạt 2,81 tỷ USD.
Muốn xuất khẩu bền vững, cần quan tâm theo dõi sát Thỏa thuận Xanh của EU
Dù duy trì được sự ổn định, triển vọng thị trường xuất khẩu dệt may sang EU vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, cùng với việc tận dụng hiệu quả EVFTA, thực hiện Thỏa thuận Xanh trong sản xuất, xuất khẩu dệt may sang EU đi kèm với nhiều thách thức, nhưng cũng đồng thời là chìa khóa để dệt may Việt Nam có thể hiện thực hóa triển vọng này.
Các thị trường lớn như Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ luôn là điểm đến hấp dẫn của hàng dệt may Việt Nam tại EU. Tuy nhiên, để giữ vững và mở rộng thị phần tại những quốc gia có người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến sản phẩm xanh này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần không ngừng nâng cao tính bền vững trong sản xuất. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh của EU là điều kiện cần để tiếp cận và giữ tệp khách hàng quan trọng này.
Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may tại thị trường EU, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia ASEAN như Myanmar, Campuchia, Lào và Indonesia, đang không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nhiều nước trong số này đã và đang tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất dệt may bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Thỏa thuận Xanh. Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, ngành dệt may Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh để duy trì và nâng cao vị thế trên thị trường EU.
Các chính sách xanh EU đối với hàng dệt may nhập khẩu
Là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và tiêu thụ tài nguyên lớn nhất thế giới, ngành dệt may đóng góp đáng kể vào quá trình biến đổi khí hậu. Tại EU, dệt may đứng thứ 4 về mức độ tác động tiêu cực đến môi trường; đồng thời, là một trong những ngành tiêu thụ nước và đất nhiều nhất. Chính vì vậy, EU đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi sang một ngành dệt may bền vững hơn. Điển hình là Chiến lược của EU đối với dệt may tuần hoàn và bền vững (EU strategy for sustainable and circular textiles).
Chiến lược này đặt ra một tầm nhìn rõ ràng của EU cho ngành dệt may. Đến năm 2030, tất cả các sản phẩm dệt may trên thị trường đều phải đáp ứng các tiêu chí về độ bền, khả năng sửa chữa, tái chế và an toàn. Đồng thời, chiến lược cũng hướng tới việc thay đổi hành vi tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao, giá cả phải chăng, chấm dứt xu hướng thời trang nhanh và khuyến khích sử dụng dịch vụ sửa chữa, tái chế.
Chiến lược này đề ra một chuỗi hành động cụ thể nhằm can thiệp vào toàn bộ vòng đời sản phẩm dệt may trong bối cảnh chuyển đổi xanh và số hóa. Điểm nhấn trong chiến lược bao gồm việc thiết kế sản phẩm dệt may tuân theo các tiêu chuẩn xanh, với yêu cầu tối thiểu là sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm, bảo đảm độ bền, khả năng sửa chữa và tái chế. Đặc biệt, chiến lược cũng cấm việc tiêu hủy sản phẩm dệt may tồn kho, tạo ra động lực cho việc phát triển sản phẩm bền vững.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất cũng cần cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm dệt may cùng với "hộ chiếu số" cho mỗi sản phẩm, trong đó ghi nhận các thông tin bắt buộc về khả năng tái chế và các yếu tố môi trường liên quan. Việc kiểm soát chặt chẽ hiện tượng thông tin giả mạo về sản phẩm cũng là một phần quan trọng trong chiến lược này, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất.
Ngoài ra, chiến lược sẽ tập trung vào việc xử lý hiệu quả vấn đề phát tán hạt vi nhựa từ sản phẩm dệt may ra môi trường, bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất, giặt giũ công nghiệp, đóng gói và sử dụng. Việc hài hòa các quy định của EU về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong lĩnh vực dệt may cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các giải pháp khuyến khích sản xuất bền vững, thiết lập lộ trình chuyển đổi sang hệ sinh thái dệt may bền vững đến năm 2030.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam trước các thách thức và cơ hội từ Thỏa thuận Xanh của EU
So với các lĩnh vực khác, đặc biệt là nông sản thực phẩm, việc sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may sang EU phải đối mặt với các thách thức từ các chính sách xanh có những điểm tương đồng và khác biệt. Về số lượng, EU đã thiết lập nhiều biện pháp chính sách liên quan đến dệt may, chủ yếu được nhấn mạnh trong Chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững, cho phép dự đoán tốt hơn về quy định, mặc dù vẫn có khả năng xuất hiện những quy định mới.
Phạm vi áp dụng của các chính sách xanh đối với hàng dệt may thường rất rộng, không chỉ bao gồm các sản phẩm dệt may mà còn các sản phẩm khác liên quan như hóa chất hoặc trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có cái nhìn tổng quát và phân tích chi tiết các quy định, giúp theo dõi những thay đổi chính sách dễ dàng hơn.
Phần lớn các quy định liên quan đến hàng dệt may đều mang tính bắt buộc, yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu sang EU. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam, khi họ cần chú ý tới các quy định này để đảm bảo không vi phạm.
Đối tượng áp dụng của các chính sách xanh này bao trùm tất cả sản phẩm dệt may, không phân biệt mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (mã HS). Do đó, mọi quy định liên quan phải được quan tâm kỹ lưỡng. Đồng thời, các chính sách xanh này được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề môi trường trong toàn bộ chu trình sản xuất và tiêu dùng, từ thiết kế đến tái chế, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi xanh trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất.
EU đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”, loại bỏ các sản phẩm có “vòng đời ngắn”, và nền kinh tế “tạo rác”
Mặc dù Thỏa thuận Xanh của EU đặt ra nhiều thách thức cho ngành dệt may Việt Nam, nhưng việc tuân thủ các chính sách xanh cũng mang lại những cơ hội mới. Cụ thể, hiện nay, hầu hết các chính sách xanh của EU liên quan đến ngành dệt may vẫn đang trong giai đoạn tham vấn công chúng và xem xét nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền của EU, chưa được chính thức ban hành. Điều này mang lại cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam một khoảng thời gian để nghiên cứu kỹ các quy định mới và xây dựng kế hoạch thích ứng phù hợp.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các nhà nhập khẩu và các nhãn hàng thời trang tại EU đã tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh đối với sản phẩm dệt may, thậm chí trước khi các chính sách chính thức của EU được ban hành. Do đó, một số lượng lớn các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam đã và đang áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong quy trình sản xuất dệt may. Phần lớn các tiêu chuẩn này được thiết lập ở mức độ cao hơn so với quy định hiện hành của EU. Do đó, khi các chính sách xanh mà EU đang dự thảo chính thức có hiệu lực, các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam sẽ có khả năng thực hiện các yêu cầu này mà không gặp quá nhiều khó khăn hay bỡ ngỡ. Việc chuẩn bị và thực hiện các tiêu chuẩn này không chỉ đảm bảo sự tuân thủ mà còn nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc điểm nổi bật của nhóm nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may gia công tại Việt Nam là hoạt động sản xuất theo mẫu mã và đơn đặt hàng của các nhãn hàng thuộc EU. Do đó, nhóm này có thể không chịu trách nhiệm trực tiếp đối với một số yêu cầu về tiêu chuẩn xanh cụ thể, chẳng hạn như thiết kế sinh thái, tiêu chuẩn hóa chất hoặc hạt vi nhựa trong sợi vải, cũng như quy định ghi nhãn hàng dệt may. Những vấn đề này thường do khách hàng quy định hoặc chỉ định.
Tuy nhiên, trong các khía cạnh liên quan đến quy trình sản xuất trực tiếp, bao gồm cách tổ chức sản xuất, công nghệ sử dụng, quy trình xử lý chất thải và năng lượng tiêu thụ của các nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may vẫn giữ vai trò chủ yếu trong việc thực hiện các chính sách xanh. Điều này không chỉ liên quan đến việc tuân thủ quy định pháp lý mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của họ trong việc thu hút các đơn đặt hàng từ khách hàng EU. Việc thực hiện các chính sách xanh trở thành yếu tố then chốt trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường vị thế trên thị trường quốc tế.
Khuyến nghị doanh nghiệp thích ứng
Mặc dù hầu hết các chính sách xanh bắt buộc đối với ngành dệt may vẫn chưa được thông qua và chưa có hiệu lực chính thức, nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu về các sản phẩm bền vững đã trở thành một thực tế không thể phủ nhận. Thêm vào đó, tại các thị trường xuất khẩu lớn khác như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, xu hướng tiêu dùng xanh trong ngành thời trang cũng đang ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy, dệt may là một trong những ngành công nghiệp chịu áp lực chuyển đổi xanh lớn nhất hiện nay. Bên cạnh những khuyến nghị chung về cách ứng phó với các chính sách và pháp luật xanh của EU, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi xanh cụ thể ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, đặc biệt là từ phía người tiêu dùng và khách hàng.
Chiến lược của mỗi doanh nghiệp thường có sự khác biệt đáng kể, phụ thuộc vào mục tiêu sản xuất kinh doanh tổng thể, thị trường xuất khẩu trọng tâm, và tài nguyên sẵn có. Tuy nhiên, một điểm chung là tất cả doanh nghiệp đều cần thực hiện các hành động chủ động nhằm từng bước xanh hóa quy trình sản xuất. Điều này bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như năng lượng, nguyên phụ liệu, quy trình sản xuất, quy trình đóng gói, và quy trình xử lý chất thải.
Các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi xanh cụ thể ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, đặc biệt là từ phía người tiêu dùng và khách hàng của EU
Về năng lượng, doanh nghiệp nên chuyển dần sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Việc này không chỉ giúp giảm lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất mà còn góp phần làm giảm chi phí năng lượng về lâu dài.
Trong lĩnh vực nguyên phụ liệu, việc tìm kiếm và phát triển các nguồn nguyên liệu xanh, như nguyên liệu từ thực vật tự nhiên hoặc từ xơ sợi tái chế, rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp nâng cao tỷ trọng nguyên liệu xanh trong sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững.
Đối với quy trình sản xuất, doanh nghiệp cần chuyển đổi công nghệ nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu, tiết kiệm nước, và hạn chế hóa chất độc hại, từ đó giảm thiểu rác thải và nước thải. Cuối cùng, việc nâng cấp công nghệ xử lý chất thải và nước thải sẽ giúp đạt được hiệu quả xử lý cao hơn, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đối với phần lớn các doanh nghiệp dệt may tham gia vào hoạt động gia công xuất khẩu, việc chuyển đổi quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải và hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời sản xuất các sản phẩm xanh, trở thành yếu tố then chốt trong việc cạnh tranh và thu hút đơn hàng. Sự gia tăng nhận thức của thị trường về vấn đề bền vững đã khiến các khách hàng ngày càng ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp có cam kết bảo vệ môi trường.
Đối với những doanh nghiệp có kế hoạch tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chẳng hạn như thiết kế mẫu mã hoặc tự cung ứng nguyên phụ liệu, yêu cầu thực hiện chuyển đổi xanh càng trở nên cấp thiết. Ngoài việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, việc phát triển thương hiệu riêng đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược xuất khẩu sang thị trường EU và các nước phát triển.
Chuyển đổi xanh không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị trường trong tương lai. Bằng việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến và phương pháp quản lý hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.