Khu công nghiệp sinh thái - động lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Tại Việt Nam, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là chủ trường lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, lần đầu tiên kinh tế tuần hoàn được đề cập trong văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam, xác định kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
KTTH được coi là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng mới hiệu quả cao, đảm bảo tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững. Các Khu Công nghiệp (KCN) vốn là trung tâm hoạt động kinh tế, đang chuyển hướng từ mô hình kinh tế tuyến tính mà tại đó nguyên vật liệu đầu vào sử dụng, tạo ra sản phẩm và thải bỏ sang sang mô hình ưu tiên thiết kế bền vững, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tái chế.
Thông tin tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề: “Thúc đẩy KTTH trong các KCN Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc quôc gia Dự án KCN sinh thái cho biết, với những mô hình KCN sinh thái tăng cường thực hiện hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp, trong giai đoạn 2020 - 2024, 88 doanh nghiệp tại 5 KCN đã thực hiện hơn 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm, cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2 hàng năm.
Ông Quân cũng đánh giá cao vai trò của mô hình KCN sinh thái trong việc xanh hóa các KCN, thực hiện KTTH trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung và KCN nói riêng, trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng và thể hiện cam kết chính trị đối với các mục tiêu phát triển bền. Đồng thời khẳng định, phát triển KTTH đang là xu thế thời đại mà nhiều quốc gia trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21 và phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới; trong đó, mô hình KCN sinh thái chính là động lực thúc đẩy KTTH.
Ông cũng lưu ý, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, KTTH trong các KCN, KKT là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế. Lợi ích này là to lớn và lâu dài; nhưng trong ngắn hạn, nhiều thách thức trở ngại làm cho quá trình chuyển đổi chưa diễn ra mạnh mẽ như mong đợi.
Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu và nhà quản lý nhà nước đều khẳng định, phát triển KCN sinh thái đã và đang trở thành thành trụ cột đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước. KCN sinh thái là một phương tiện hiệu quả để đạt được một nền KTTH và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp. KCN sinh thái tăng cường tính tuần hoàn của các nguồn tài nguyên quan trọng đối với các quy trình công nghiệp (nước, năng lượng, vật liệu và chất thải...) bằng cách giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên có thể cạn kiệt (như nhiên liệu hóa thạch). Vì vậy, phát triển KCN sinh thái là xu hướng tất yếu của toàn cầu hiện nay để tiến đến gần hơn với KTTH.
Các đại biểu nhận định, KTTH đã góp phần tăng cường và thúc đẩy nền kinh tế có chất lượng, sản xuất kinh doanh hiệu quả; tăng cường được tính liên kết giữa cộng đồng và doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp đang tham gia vào phát triển kinh tế xanh, KTTH đều khẳng định những lợi ích về kinh tế và môi trường đem lại, giúp các công ty có năng lực để nâng cao khả năng cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế. Vì vậy, phát triển KCN sinh thái chính là con đường đến gần nhất cho sự thịnh vượng và tăng trưởng của Việt Nam.
Hoạt động triển khai mô hình KTTH trong các KCN tại Việt Nam là bước đi quan trọng hướng tới sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp trong KCN tại Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao nhận thức về hiệu quả chuyển đổi KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái và đã tiến hành các hoạt động sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp, cộng sinh đô thị (chủ yếu trong các KCN đang được thụ hưởng dự án KCN sinh thái). Song kết quả bước đầu vẫn còn rất khiêm tốn, vì vẫn còn rất nhiều rảo cản đã gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai các hoạt động sản xuất. Do vậy, để đạt được hiệu quả tối ưu của KTTH, thì việc tăng cường chính sách và ưu đãi để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong các KCN, KKT và các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương là hết sức cần thiết, góp phần tạo nền tảng quan trọng để KKTH phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.