A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định chống phá rừng của EU (EUDR): Ngành cao su chủ động thích ứng

Cao su là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) chịu sự kiểm soát về Quy định chống phá rừng (EUDR). Quy định này ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa cao su tới EU, một thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi vào thực thi. Các doanh nghiệp cao su của Việt Nam đã chủ động có sự chuẩn bị, sẵn sàng với quy định EUDR.

EU là khách hàng quan trọng đối với các sản phẩm cao su của Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt hơn 9,4 tỷ USD bao gồm cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su. Trong đó, sản phẩm cao su đạt kim ngạch cao nhất, với 4,4 tỷ USD, tiếp đó là cao su thiên nhiên (gần 2,9 tỷ USD) và gỗ cao su (2,2 tỷ USD).

Với cao su thiên nhiên, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Trung Quốc dẫn đầu, chiếm 79,6%; Ấn Độ đứng thứ hai, chiếm 5,3%, thứ ba là EU với tổng lượng xuất khẩu đạt 66.472 tấn, chiếm 3,1% thị phần, giá trị đạt gần 94,3 triệu USD.

Với sản phẩm cao su, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Lốp xe vẫn là mặt hàng sản phẩm cao su được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất, với giá trị ước đạt hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su và chủ yếu được xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm cao su sang thị trường EU ước đạt gần 375,3 triệu USD, chiếm 8,6% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, nhiều nhất vẫn là sản phẩm lốp xe.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nhìn chung, tuy không phải thị trường xuất khẩu dẫn đầu của toàn ngành cao su Việt Nam, EU vẫn là khách hàng quan trọng đối với các nhóm ngành cao su tự nhiên và sản phẩm cao su. Tuy là thị trường khó tính, nhưng đây là thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa, đặc biệt trong bối cảnh EVFTA đã đi vào thực thi.

Ngành cao su đối mặt với EUDR

Ngày 23/6/2023, EU đã chính thức ban hành Quy định về chống mất rừng (EU Deforestation Regulation - EUDR), áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Quy định được áp dụng vào tháng 1/2025, nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái rừng trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường EU đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc, chứng minh được rằng quá trình sản xuất không gây ra mất rừng hoặc suy thoái rừng trong suốt chuỗi cung ứng. Trong EVFTA, Chương 13 (Thương mại và Phát triển bền vững) bao gồm các cam kết về quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, chống khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp và không gây mất rừng. Do vậy, việc chuẩn bị và thực thi EUDR khẳng định cam kết phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thực thi EVFTA.

Xu hướng này đang dần lan rộng ra các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của thế giới về một nền kinh tế xanh, ít phát thải carbon và bền vững. Quy định này cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc sản xuất kinh doanh theo hướng minh bạch, trách nhiệm, và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo EUDR, các mặt hàng nhập khẩu chỉ được phép lưu thông tại thị trường EU nếu đáp ứng được hai điều kiện sau: Thứ nhất, sản phẩm nhập khẩu là hợp pháp. Hợp pháp ở đây có nghĩa các hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển… diễn ra tại quốc gia sản xuất đáp ứng được toàn bộ các quy định pháp luật của quốc gia này. Thứ hai, quá trình sản xuất sản phẩm không gây mất rừng, với mốc thời gian mất rừng tính từ sau ngày 31/12/2020.

Đánh giá về sự ảnh hưởng của EUDR đến ngành cao su Việt Nam, ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết: Việt Nam hiện có 918.000 ha trồng cao su, bao gồm nguồn cao su tiểu điền chiếm 52% và cao su đại điền chiếm 48%. Việt Nam đã có hơn 200.000 ha cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia - Vietnam Forest Certification Scheme)  và PEFC (Chương trình Chứng nhận Chứng chỉ Rừng - Programme for the Endorsement of Forest Certification), với 100% diện tích này là các diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Một diện tích nhỏ khoảng 6.000 ha thuộc một số doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ tiểu điền đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý Rừng (Forest Stewardship Council - FSC).

“Các diện tích cao su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không đối mặt với khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bởi các diện tích này đã được trồng cao su từ lâu, đất đai có nguồn gốc, ranh giới rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất” - ông Võ Hoàng An nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chí về không phá rừng, EUDR cũng bao gồm các tiêu chí khác, trong đó có tính hợp pháp về quyền sử dụng đất, đảm bảo đất có ranh giới rõ ràng và thông báo cho khách hàng về vị trí địa lý của lô đất và thời gian thu hoạch/sản xuất. Đây sẽ là những khó khăn với hơn 260.000 hộ trồng cao su tiểu điền.

Bên cạnh nguồn cung trong nước, nhập khẩu cao su nguyên liệu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành cao su Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn cao su nguyên liệu, trong đó hơn 80% đến từ Campuchia và dưới 20% từ Lào cùng một số quốc gia khác. Các sản phẩm xuất khẩu bao gồm cả cao su nguyên liệu và các sản phẩm cao su thành phẩm, được sản xuất từ cả nguồn cao su trong nước và cao su nhập khẩu.

Mở rộng sản phẩm có chứng nhận PEFC và triển khai chính sách bán hàng phù hợp

Để chủ động thích ứng với quy định EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Khung Kế hoạch hành động cấp quốc gia ngay từ tháng 6/2023. Tháng 9/2023, Bộ trưởng đã trực tiếp đề xuất với Ủy ban châu Âu (EC) một số giải pháp cụ thể, bao gồm yêu cầu công bố quy trình thực thi chi tiết, cung cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Những nỗ lực này nhằm giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của EUDR.

Nhằm thích ứng với yêu cầu của quy định EUDR, VRA đã tích cực nghiên cứu và chọn lọc các phương pháp tiên tiến được các quốc gia và ngành hàng khác trên thế giới triển khai. Cụ thể, việc xây dựng bản đồ số và khả năng truy xuất nguồn gốc đến tận vườn cây, cùng với số hóa giai đoạn đầu của chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các giải pháp bền vững toàn diện.

Bên cạnh đó, VRA cũng đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với EU về việc ban hành lộ trình thực thi chi tiết và tài liệu hướng dẫn cụ thể, đặc biệt cho ngành cao su. Đồng thời, VRA cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và hộ tiểu điền nâng cao năng lực, tập trung vào việc xây dựng hệ thống dữ liệu định vị và truy xuất nguồn gốc. Việc tích hợp dữ liệu vào các hệ thống thông tin quốc gia cũng là một giải pháp quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý.

Ngành cao su tiên phong đáp ứng Quy định của EU về chống mất rừng

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) được xem là đơn vị tiên phong trong các ngành hàng tham gia thực hiện quy định EUDR. VRG đã chủ động khôi phục và hoàn thiện các thủ tục, quy trình, đồng thời chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ đầu năm 2024. Trong số các ngành hàng chịu tác động, gỗ và cao su là hai ngành hàng đã tham gia Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), cam kết đảm bảo rằng tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU đều có nguồn gốc hợp pháp và không gây suy giảm rừng. Đặc biệt, từ năm 2014, Việt Nam đã ngừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên và thiết lập các quy định về chuyển đổi đất rừng từ năm 2017. Điều này vừa mở ra cơ hội đồng thời cũng đặt ra thách thức trong lĩnh vực gỗ và cao su tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, VRG đã tiến hành triển khai mạnh mẽ các chứng chỉ phát triển bền vững và quản lý rừng trên các vườn cây của mình nhằm đáp ứng các tiêu chí mà EU đặt ra. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả toàn diện trong cấp quốc gia đối với EU, sự phối hợp giữa các bộ ngành địa phương là rất cần thiết. Từ đầu năm 2024, VRG đã chính thức áp dụng giá sàn cho các sản phẩm được chứng nhận PEFC, với mức giá cao hơn giá sàn tối thiểu là 10 USD cho các sản phẩm cùng loại.

Ông Trần Như Hùng - Trưởng Ban Thị trường kinh doanh VRG cho biết: Tập đoàn đang tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp để duy trì và thúc đẩy tiêu thụ cao su. Cụ thể, VRG đang rà soát và thực hiện các biện pháp giảm giá thành sản xuất, đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường để nắm bắt thông tin về giá cả, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc tham gia các tổ chức và hiệp hội ngành cao su sẽ giúp VRG có được những thông tin hữu ích để từ đó có các thông tin giúp các đơn vị có thể chủ động về giá cả, nhu cầu, cơ cấu sản phẩm trên thị trường để có chính sách bán hàng phù hợp.

VRG cũng đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng và phân phối sản phẩm. Việc hợp tác với Sàn Giao dịch Hàng hóa Việt Nam để xây dựng Sàn Giao dịch cao su đã đạt được những kết quả khả quan. Điều này sẽ giúp VRG mở rộng các kênh bán hàng, tăng tính minh bạch và hiệu quả trong giao dịch. Việc đầu tư xây dựng các tổng kho cao su hiện đại là một trong những giải pháp quan trọng để VRG nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường. Hệ thống kho bãi hiện đại sẽ giúp VRG tối ưu hóa quy trình logistics, đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, VRG đang tích cực mở rộng hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm và hội thảo chuyên ngành về cao su. Đồng thời, Tập đoàn cũng chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn liền với phát triển bền vững bằng cách quảng bá các sản phẩm có chứng nhận quốc tế như PEFC, FSC, EUDR. Những nỗ lực này nhằm mục tiêu mở rộng thị trường, xây dựng các kênh phân phối mới và nâng cao vị thế của VRG trên thị trường quốc tế.


Tác giả: Kim Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website