A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Dự án Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang

Vừa qua, Lễ ký kết hợp đồng dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang giữa Công ty Cổ phần Năng lượng sinh khối Hậu Giang (HBE) và Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình xây dựng một dự án nhà máy điện sinh khối sử dụng nhiên liệu trấu tại Việt Nam.

Hiện nay, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn sinh khối phong phú, dồi dào, có tiềm năng chuyển đổi thành năng lượng sạch bằng nhiều công nghệ hiện đại. Theo số liệu tính toán, cứ 5 kg trấu tạo ra 1kWh điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn, mỗi năm Việt Nam có thể thu được hàng trăm MW điện. Trong tự nhiên, các dạng sinh khối còn rất nhiều, bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ v.v...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm… Năng lượng sinh khối là nguồn năng lượng bền vững phù hợp với mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo nhu cầu và năng lượng trong nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối còn rất thấp chỉ chiếm 0,14% lượng điện thương phẩm và chiếm 0,94% công suất lắp đặt trên toàn quốc (522,27MW).

Theo quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Công Thương, tiềm năng điện sinh khối tại tỉnh Hậu Giang khoảng 60MW, trong đó điện trấu 30MW, rơm rạ 10MW, bã mía 20MW. Trên cơ sở đó, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện sinh khối. Dự án Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 875 tỷ đồng, công suất 20MW do HBE đầu tư, PECC2 với vai trò Tổng thầu EPC. Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 9486/QĐ-BCT ngày 16/12/2013 của Bộ Công Thương về “Quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Phối cảnh Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang

Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang sử dụng công nghệ tua bin ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu sinh khối, có tính chất trung hòa cácbon thân thiện với môi trường (nhiên liệu chính là trấu), được vận chuyển thông qua hệ thống bến cảng nhập nhiên liệu cho phép tàu đến 300 tấn tiếp cận. Dự án được trang bị đầy đủ công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Quy mô đầu tư Dự án gồm: Khu vực gian máy chính; khu vực phụ trợ; khu vực nhà hành chính; khu vực kho chứa; hành lang cây xanh và đường kết nối.

Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng, trong khuôn khổ xây dựng Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tiềm năng kỹ thuật của điện sinh khối ở Việt Nam là hơn 5.300MW, tương đương sản lượng hàng năm là gần 30.700GWh với 4 nguồn sinh khối chính từ trấu, củi, bã mía, rơm rạ và các nguồn khác như lõi ngô, gáo dừa... Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhưng cho đến nay tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện sinh khối vẫn còn rất nhỏ trong tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tại Việt Nam. Theo đó, dự án nhà máy điện sinh khối Hậu Giang khi đi vào vận hành có thể thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn điện sinh khối góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu đầu vào sản xuất điện năng phù hợp mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Đồng thời, dự án sẽ góp phần đẩy mạnh mạng lưới thu gom, vận chuyển, sơ chế nhiên liệu sinh khối; thu hút thêm vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trong và ngoài nước, đồng thời,giúp tăng thêm thu nhập cho người dân sinh sống trong khu vực. 


Tác giả: Linh Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website