A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp Singapore, Thái Lan chật vật vì thiếu hụt lao động

Tình trạng thiếu hụt lao động cản đường phục hồi của nhiều nền kinh tế. Các doanh nghiệp dùng nhiều cách thu hút người lao động và trả phí để đưa công nhân ngoại quốc trở lại.

Năm ngoái, khi làn sóng Covid-19 quét qua một ký túc xá của công nhân ở Singapore, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đã ngừng hoạt động ít nhất 2 tháng.

Khi người lao động nước ngoài không thể trở lại Singapore, những doanh nghiệp trong các lĩnh vực như F&B, vệ sinh và sản xuất cũng chật vật tìm giải pháp thay thế. Họ là những doanh nghiệp phụ thuộc vào lao động tay nghề thấp từ các nước láng giềng.

Hồi tháng 4/2021, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore thừa nhận rằng một phần lớn dự án BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành) phải trì hoãn vì thiếu nhân công.

Khan hiếm lao động

Theo nhà báo Kentaro Iwamoto của Nikkei Asian Review, người lao động nước ngoài chiếm khoảng 1/3 tổng lực lượng lao động của Singapore. Các lĩnh vực như xây dựng và đóng tàu chủ yếu dựa vào nguồn lao động giá rẻ, nhất là từ Ấn Độ và Bangladesh.

"Các hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt đối với người lao động nước ngoài sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động tại công trình xây dựng và nhà máy đóng tàu", Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore bình luận.

Trong năm 2020, lĩnh vực xây dựng của Singapore đã lao dốc 36%. Đến quý I, ngành vẫn sụt giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các tập đoàn của Singapore đã thúc giục chính phủ mở cửa lại cho những người lao động Nam Á. Nếu không, những dự án nhà ở, bệnh viện và đường xá sẽ bị "gián đoạn nặng nề".

Ngành công nghiệp dầu cọ Malaysia cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi nước này áp dụng các hạn chế đi lại từ tháng 3 năm ngoái. Người lao động không thể đến đồn điền, dẫn đến số lượng lao động giảm dần. Ngành công nghiệp dầu cọ phụ thuộc vào những lao động di cư từ Indonesia, Bangladesh và Ấn Độ.

Thieu hut lao dong anh 3

Ngành công nghiệp dầu cọ Malaysia phụ thuộc vào các lao động di cư từ Indonesia, Bangladesh và Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Trong vài tháng qua, những ổ dịch Covid-19 mới buộc nhiều đồn điền phải đóng cửa, giáng thêm đòn lên các công ty dầu cọ. Sime Darby Plantation Bhd. cho biết tình trạng thiếu lao động ở Malaysia ngày càng tồi tệ. Họ chỉ được sử dụng 20% lượng lao động so với nhu cầu.

Theo Sime Darby Plantation Bhd., tình trạng thiếu hụt lao động và lượng mưa thấp hơn góp phần khiến sản lượng dầu cọ ở Malaysia sụt giảm 5% trong nửa đầu năm nay.

Công ty cũng phải đầu tư vào cơ khí hóa và tự động hóa để giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công.

"Bạn không đủ nhân công để thu hoạch quả", bà Ivy Ng tại CGS-CIMB Securities (có trụ sở ở Malaysia) bình luận. Theo dữ liệu của Hội đồng Dầu cọ Malaysia, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia đã sụt giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Ivy Ng, khi chính quyền Malaysia có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế vào cuối năm nay, những quy định đối với lao động nước ngoài cũng sẽ được nới lỏng. Điều này có thể giúp giải quyết vấn đề về lao động của các đồn điền dầu cọ.

Các doanh nghiệp nước này, từ ngành công nghiệp găng tay đến sản xuất dầu cọ, kêu gọi chính phủ cho phép người lao động nước ngoài nhập cảnh để giảm tình trạng thiếu hụt lao động.

Trả phí để đưa lao động trở lại

Trong khi đó, doanh nghiệp tại Thái Lan đã có thể đưa người lao động nước ngoài trở lại làm việc. Tuy nhiên, họ cũng phải chịu chi phí cho việc này.

Theo Reuters, khi nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch Covid-19, đè nặng lên ngành công nghiệp du lịch và tiêu dùng nội địa, xuất khẩu trở thành điểm sáng hiếm hoi của Thái Lan. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động đã đe dọa các khu vực kinh tế sử dụng nhiều lao động.

Các ngành xuất khẩu chủ chốt như sản xuất thực phẩm và cao su của Thái Lan chiếm đến 50% lực lượng lao động nhập cư. Năm 2020, xuất khẩu chiếm 45% GDP tại nước này.

Nói với Reuters, Bộ trưởng Lao động Thái Lan Suchart Chomklin cho biết Thái Lan có khoảng 3 triệu lao động nhập cư hợp pháp, chủ yếu đến từ Myanmar.

Việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn ngừa virus lây lan đã chặn đứng làn sóng nhập cư của người lao động.

Các lao động nhập cư đã không thể đến Thái Lan kể từ tháng 3/2020. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang tuyển dụng lao động địa phương để bù đắp. Theo Bộ trưởng Lao động Suchart Chomklin, người lao động trong nước sẽ được trả lương dựa theo trình độ học vấn, trả lương làm thêm giờ và những chế độ phúc lợi khác.

Thieu hut lao dong anh 4

Doanh nghiệp Thái Lan sẽ phải chi cho mỗi công nhân 14.000 baht để đưa người lao động trở lại. Ảnh: AFP.

Các nhà máy Thái Lan cũng chuyển dịch đến những khu vực tập trung nhiều lao động phù hợp. Nhiều nhà máy đã đưa ra mức lương và tiền thưởng cao để thu hút người lao động địa phương. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa đủ để bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường lao động.

"Chúng tôi đã có khá nhiều đơn đặt hàng. Nhưng vì không đủ công nhân, chúng tôi chỉ có thể chạy ở mức 75-80% công suất", ônt Suparp Suwanpimonkul - Phó giám đốc điều hành của S.K. Polymer Co., công ty sản xuất các bộ phận cao su của ôtô và đồ điện tử - tiết lộ.

Công ty của ông đã phải đưa ra khoản tiền thưởng 6 tháng cho các công nhân để thu hút người lao động. Công nhân tại S.K. Polymer cũng sẽ nhận được 500-1.000 baht nếu giới thiệu thêm người mới. "Nhưng chúng tôi vẫn không thể cạnh tranh với những nhà máy khác", ông Suparp than thở.

Cục Việc làm (DoE) sẽ khảo sát nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp muốn thuê người lao động địa phương thay thế cho lao động nhập cư. Cho đến nay, 112.759 người Thái đã đăng ký việc làm với Bộ, theo ông Suchart.

Hôm 14/9, Bangkok Post đưa tin các doanh nghiệp sẽ được Bộ Lao động Thái Lan cho phép đón lao động nhập cư.

Những công dân Myanmar, Lào và Campuchia sẽ được đảm bảo việc làm theo biên bản ghi nhớ (MoU) đã ký với các nước tương ứng. Khi nộp đơn, người sử dụng lao động phải trả lệ phí cấp giấy phép lao động là 1.900 baht/đơn (khoảng 58 USD/đơn).

Khi công nhân đến nơi, họ sẽ trải qua 3 lần xét nghiệm RT-PCR với giá 1.300 baht/lần và cách ly 14 ngày tại các cơ sở được nhà nước cấp phép. Mức phí là 500 baht mỗi ngày hoặc 7.000 baht cho toàn bộ thời gian cách ly.

Ngoài ra, người sử dụng lao động phải trả cho người lao động bảo hiểm y tế Covid-19 với giá mua 900 baht.

Tổng số tiền mà người sử dụng lao động Thái Lan phải chi cho mỗi công nhân lên tới 14.000 baht, không bao gồm chi phí đi lại và thị thực.


Nguồn:Zing News Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website