Hàng hóa dự trữ tăng đến 500% đảm bảo cho các địa phương yên tâm chống dịch
Theo đó, Bộ Công Thương đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhằm kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợdoanh nghiệp đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ nông sản cho địa phương. Tại các hệ thống phân phối lớn, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với tháng thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, theo chức năng nhiệm vụ được giao, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid-19, các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản và hướng dẫn việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại các vùng có dịch bệnh Covid-19, cụ thể như:
- Công điện khẩn số 526/CĐ-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2020 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chuỗi siêu thị phân phối lớn trong cả nước;
- Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2021 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp;
- Công điện số 2734/BCT-KH ngày 17 tháng 5 năm 2020 về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Công văn số 873/BCT-TTTN ngày 18 tháng 02 năm 2021 về việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản.
- Công văn số 1083/BCT-TTTN ngày 01 tháng 3 năm 2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ban hành hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch Covid-19.
- Nhiều văn bản chỉ đạo khác của Bộ từ khi dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì, tham dự nhiều buổi làm việc với Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa, tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, gần đây nhất là ngày 19/6/2021 Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp làm việc với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa; Lãnh đạo Bộ Công Thương tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 26/6/2021 với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Đồng thời, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đặc biệt là các địa phương đang có dịch bệnh Covid-19, theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn của thị trường khi cần thiết.
Để hỗ trợ các địa phương trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; Tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp… trong việc vận chuyển lưu thông hàng hoá (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong toả và có dịch; Thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình cung cầu - lưu thông hàng hóa, tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Bộ cũng đã đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Ngoài ra, để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các địa phương, ngày 01 tháng 6 năm 2021, Bộ Công Thương đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo nêu trên và hướng dẫn của Bộ Công Thương:
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua. Từ đó, Sở Công Thương chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Hiện nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối (qua 04 đợt dịch vừa qua, hàng hóa cung ứng cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu, kể cả đối với các khu vực bị cách ly hoặc thực hiện giãn cách xã hội).
Các địa phương, doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản lưu thông, tiêu thụ nông sản để ứng phó với các mức độ của dịch (ví dụ như tỉnh Bắc Giang đã: xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản theo 03 cấp độ của dịch bệnh ứng với 03 kịch bả): Kịch bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi; Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát; Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, sản lượng vải thiều 90% tiêu thụ nội địa và 10% xuất khẩu; Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, thiết lập đường dây nóng, công bố số điện thoại cán bộ theo dõi để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong việc khó khăn tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh (về lưu thông, về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, về test Covid-19).
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ Công Thương, hầu hết các địa phương đã hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa để vận chuyển, lưu thông tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào ra và đi qua địa phương (Hà Nội, Bắc Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai, Hải Phòng, Hòa Bình, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Long An, Khánh Hòa, Bến Tre, Lai Châu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hồ Chí Minh….).
Các doanh nghiệp phân phối lớn đều cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, trong đó có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; có Báo cáo phương án cung ứng hàng hóa (theo mẫu của Bộ) về Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; Đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý. Tại các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op (chuỗi siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra), Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart +); BRG Retail (chuỗi Hapro Mart, Intimex, Fuji Mart, Seika Mart), Central Group (chuỗi Big C; Go!; Lan Chi Mart), Bách Hóa Xanh…, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với tháng thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân khi dịch. Đồng thời, hệ thống phân phối (siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối…) cũng đã sớm làm việc với các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn để xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống và phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ hai lần trở lên so với năm trước.
Kết quả là, trước nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhưng được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung cầu hàng hóa, lưu thông, tiêu thụ nông sản ứng phó với các mức độ của dịch Covid-19. Vì vậy, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ nông sản như giai đoạn trước. (Ví dụ, mặc dù là tỉnh có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất, diễn biến phức tạp lại đúng vụ thu hoạch vải, nhưng đến hết ngày 28 tháng 6 năm 2021 tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hết sản lượng vải trên địa bàn (khoảng 204.000 tấn vải, trong đó tại thị trường trong nước là 131.00 tấn (hiện chiếm khoảng hơn 664,3% sản lượng vải đã tiêu thụ toàn tỉnh; xuất khẩu 73.000 tấn chiếm 35,7%. Hoạt động tiêu thụ thuận lợi, không có hiện tượng ép giá, ép cấp đảm bảo người sản xuất có lãi).
Những sự hỗ trợ gì để đảm bảo thực hiện các yêu cầu này:
Mặc dù có đầy đủ các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành và địa phương nhưng do yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời lại vào chính vụ thu hoạch nông sản (lượng nông sản cần tiêu thụ thời điểm này rất lớn), nên việc lưu thông tiêu thụ hàng hóa, theo phản ánh (của một số doanh nghiệp) có gặp khó khăn hơn so với thời điểm không có dịch Covid-19, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể (hoặc chậm) vận chuyển nông sản ra vào vùng có dịch đi tiêu thụ vì quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương, nguyên nhân:
- Việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp như: Theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.
- Do số lượng Vacxin còn hạn, phần lớn lái xe và người áp tải hàng chưa được tiêm, gây tâm lý e ngại (do mất thời gian làm xét nghiện, tốn tiền xét nghiệm, lo ngại bị lây dịch, tốn phí xét nghiệm, ra vào vùng dịch phải cách ly 21 ngày….) không muốn tham gia vận chuyển lưu thông hàng hóa, từ đó gây thiếu phương tiện và lái xe cục bộ. Chưa có hướng dẫn về việc sử dụng hộ chiếu Vacxin, nếu tiêm Vacxin rồi thì có phải test nữa hay không.
- Nông sản vận chuyển đi tiêu thụ mặc dù có đầy đủ giấy tờ về phòng chống dịch nhưng do phải đi qua nhiều chốt kiểm soát nên mất nhiều thời gian kiểm soát (làm giảm phẩm cấp, chất lượng nông sản…), thậm chí có nhiều chốt do thực hiện quá nghiêm, vận dụng cực đoan do hiểu sai văn bản hướng dẫn đã dẫn đến hiện tượng “ngăn sông, cấm chợ”. Bên cạnh đó, mỗi địa phương có quy định về thủ tục, quy trình kiểm soát hàng hóa, phương tiện con người và phòng chống dịch Covid 19 khác nhau nên các doanh nghiệp lúng túng trong hoạt động kinh doanh.
Như vậy vướng mắc chính trong lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nói chung các mặt hàng nông sản thời gian qua chủ yếu liên quan đến ngành Y tế, Giao thông và việc vận dụng thực hiện tại các địa phương.
Để việc lưu thông, tiêu thụ nông sản kịp thời hiệu quả, đặc biệt trong yêu cầu, điều kiện phòng chống dịch, Bộ Công Thương đề nghị:
- Ngành Y tế nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục xét nghiệm; tạo điều kiện cho đội ngũ lái xe và người áp tải hàng được tiêm Vacxin phòng dịch Covid-19.
- Ngành Giao thông nghiên cứu hướng dẫn để thực hiện việc phương tiện vận chuyển hàng hóa khi có đầy đủ giấy xác nhận phòng chống dịch theo quy định được ưu tiên “luồng xanh” để lưu thông trong thời gian ngắn nhất. Phối hợp các địa phương chủ động phương án xây dựng các điểm, các trạm dừng nghỉ do quân đội quản lý bảo đảm an toản phòng dịch, an toàn giao thông cho lái xe và phương tiện (gọi là vùng đệm trung chuyển hàng hóa).
- Ngành Nông nghiệp chỉ đạo, điều tiết sản xuất nông nghiệp theo đúng nhu cầu của thị trường, đặc biệt, nhu cầu nông sản trong bối cảnh dịch bệnh thường giảm hơn điều kiện bình thường (để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông sản). Căn cứ nhu cầu của thị trường đề điều tiết lại sản xuất cũng như phát triển ngành chế biến, dự trữ và dịch vụ logistics phù hợp, để giảm thiểu tình trạng cung vượt cầu (là lý do cơ bản gây ra tình trang giá nông sản bấp bênh như thời gian qua); Phối hợp Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”.
- Ban chỉ đạo Trung ương thành lập Tổ thường trực liên ngành về hỗ trợ vận chuyển lưu thông hàng hóa, gồm các Bộ, ngành: Y tế, Giao thông, Công an, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương và các địa phương….để kịp thời giải quyết các vướng mắc nêu trên.
- Tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về việc tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đồng thời tuyên truyền các giải pháp đã được các địa phương thực hiện tốt thời gian qua (ví dụ như tỉnh Bắc Giang đã: thiết lập vùng sản xuất nông sản an toàn, xây dựng các clip an toàn dịch bệnh tại các vùng sản xuất nông sản để truyền thông trong và ngoài nước; xây dựng các kịch bản tiêu thụ nông sản để ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh; có phương án xây dựng vùng đểm để trung chuyển hàng hóa, phương tiện và lái xe, ưu tiên xét nghiệm và tiêm vác xin cho đội ngũ lái xe, người lao động, thương lái thu mua nông sản….) để các địa phương, doanh nghiệp cả nước biết, tham khảo, áp dụng.
- Các địa phương tiếp tục thực nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tao điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Đồng thời ưu tiên nguồn lực để góp phần thiết lập “luồng xanh” trong lưu thông hàng hóa:
+ Lập điểm trung chuyển, dừng nghỉ an toàn phòng dịch cho xe khi lưu thông; quy định về thời gian nghỉ cho lái xe, niêm phong cửa xe; có phương án chuẩn bị về nhân lực, phương tiện vận tải để sẵn sàng phục vụ tại chỗ cho địa phương cũng như hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết.
+ Thiết lập vùng sản xuất an toàn dịch bênh; Kiểm soát thương nhân, lái xe, công nhân, lao động… đến và đi từ vùng trồng.