A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần nhân rộng mô hình giám sát tiết kiệm điện hiệu quả ở Lạng Sơn

Trong bối cảnh tiêu thụ điện liên tục tăng cao do thời tiết nắng nóng kéo dài, việc sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm không còn là khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Đáng chú ý, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai một mô hình tiết kiệm điện bài bản, chặt chẽ, có giám sát, không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà đi vào kiểm soát thực tế. Với các hình thức theo dõi sản lượng điện theo tuần, áp dụng quy chế thi đua khen thưởng gắn với hiệu quả tiết kiệm, Lạng Sơn đang là một trong những địa phương đi đầu, từ đó mở ra khả năng nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

Thực hiện Chỉ thị tiết kiệm điện 20/CT-TTg của Thủ tướng và chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của Bộ Công Thương, ngay từ 2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch để triển khai rộng khắp toàn tỉnh.

Trong Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 4/7/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn xác định mục tiêu cụ thể bao gồm: Tiết kiệm tối thiểu 2% sản lượng điện mỗi năm tại cơ quan, tổ chức nhà nước; Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về sử dụng điện an toàn, hiệu quả và bền vững; Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, đưa kết quả tiết kiệm điện vào tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh đến việc thay thế thiết bị hiệu suất thấp bằng đèn LED, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, sử dụng các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn thực hành tiết kiệm điện tới các đối tượng quản lý.

Giám sát tiêu thụ điện hàng tuần

Tại huyện Hữu Lũng (huyện cũ), cơ quan điện lực địa phương đã triển khai một phương pháp theo dõi điện năng tiêu thụ theo tuần đối với toàn bộ khối cơ quan hành chính sự nghiệp (HCSN) và các điểm chiếu sáng công cộng.

Theo đó, trên cơ sở danh sách các đơn vị sử dụng điện, đơn vị đã thực hiện giám sát với hệ thống đo xa theo tuần. Qua đó sẽ biết được sản lượng điện tăng hay giảm, đơn vị nào sử dụng nhiều điện hay ít.

Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng, đơn vị điện lực cũng theo dõi, ghi nhận tại các điểm đo để biết sản lượng tăng hay giảm so với tuần trước.

Cách làm này rất công khai, minh bạch, chi tiết từng đơn vị, từ đó tạo sức ép tự điều chỉnh và nâng cao ý thức sử dụng điện của cán bộ, công chức. Đặc biệt, với các quy chế nội bộ của tỉnh, các báo cáo này tạo ra trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, nhất là người đứng đầu, gắn với kết quả tiêu thụ điện thực tế mỗi tuần.

Mô hình cần nhân rộng

Không chỉ ở cấp đơn vị hành chính, tại Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, việc thực hiện tiết kiệm điện cũng được triển khai đồng bộ, với hàng loạt giải pháp cụ thể và quyết liệt theo Kế hoạch năm 2025 của Ban Quản lý. Đặc biệt, đưa công tác tiết kiệm điện gắn với đánh giá thi đua, chấp hành kỷ luật nội bộ và là một tiêu chí bắt buộc đối với công chức, viên chức các phòng ban thuộc Ban Quản lý.

Để quản lý điện năng hiệu quả, Ban quản lý yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đồng bộ ở cả nơi làm việc và khu vực công cộng với những quy định như: Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa từ 26ºC trở lên, bật trễ 60 phút và tắt sớm 60 phút; Tắt 50% đèn hành lang, bãi xe, sân cơ quan, tận dụng ánh sáng tự nhiên; Tắt toàn bộ hệ thống đèn quảng cáo, trang trí sau 22h, trừ khu vực phục vụ quốc phòng – an ninh; Dừng 50% thang máy, khuyến khích dùng cầu thang bộ.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn phổ biến "Bộ cẩm nang tiết kiệm điện năm 2025", vận động các doanh nghiệp và người dân tại khu vực cửa khẩu sử dụng thiết bị có nhãn năng lượng, thay thế đèn chiếu sáng công cộng bằng loại tiết kiệm điện, và hạn chế thiết bị công suất lớn trong giờ cao điểm.

Có thể nói, mô hình tiết kiệm điện của Lạng Sơn có thể nhân rộng trên toàn quốc bởi lẽ nó khác biệt ở chỗ thay vì chỉ đạo, hô khẩu hiệu chung chung, mà đã biến mục tiêu thành hành động đo đếm được bằng các chỉ tiêu, thời hạn rõ ràng giúp giám sát điều chỉnh liên tục gắn với thi đua khen thưởng và kỷ luật nội bộ. Bên cạnh đó, việc theo dõi sản lượng điện theo tuần; công khai danh sách đơn vị tăng điện sẽ giúp tạo áp lực tự điều chỉnh hành vi sử dụng điện.

Nếu mô hình này được nhân rộng tại các địa phương khác, đặc biệt ở khối cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục, y tế và các khu công nghiệp, chỉ riêng việc tiết giảm 2–5% điện năng có thể tiết kiệm hàng trăm triệu kWh mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website