A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương tổ chức Họp báo thường kỳ quý II/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày 19/6/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024 và gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1945 - 21/6/2024). Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo và gửi lời chúc mừng đến các phóng viên, nhà báo theo dõi, đồng hành cùng ngành Công Thương, Bộ Công Thương trong suốt thời gian qua.

Kết quả sản xuất công nghiệp, thương mại khả quan

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 6 tháng năm 2024, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, Mặc dù tình hình trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, thách thức trong 6 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên, ngành Công Thương đã vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch trên hầu hết các chỉ tiêu được giao. Qua đó đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và ổn định các nền tảng tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước; góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân.

Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính

Cũng theo ông Bùi Huy Sơn, trong 6 tháng năm 2024, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới và trong nước để linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân nhằm khởi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Nhờ đó, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành ước tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 giảm 1,2%; 2022 tăng 8,4%, 2021 tăng 9,0%). Công nghiệp phục hồi nhờ đóng góp lớn của ngành nghiệp chế biến, chế tạo với IIP 6 tháng tăng 7,8% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,6%) và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí, tăng 12,9% (cùng kỳ 2023 tăng 1,5%).

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 55/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch – Tài chính, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm . Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%). Xuất khẩu tăng ở các khu vực kinh tế và tăng cao ở nhóm doanh nghiệp trong nước (5 tháng đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô - 5 tháng ước đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%).

Xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 12,6%) với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao trong 5 tháng đầu năm như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%.

Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Một số mặt hàng nông sản tăng cao trong 5 tháng đầu năm như: cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.

Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó nổi bật là các thị trường: Hoa Kỳ (ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước, Trung Quốc (kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%), EU (ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%),  Hàn Quốc (ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%).

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô.

Tại thị trường trong nước, tiêu dùng hàng hóa tăng trưởng mạnh và ổn định ở mức cao đối với các nhóm hàng hóa cho thấy thu nhập thực tế người dân đã được cải thiện từ phục hồi kinh tế. 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.406 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,48% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 3,8%).

Dù đạt được những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm,  tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Công Thương, , sản xuất công nghiệp phục hồi chưa đồng đều. Cùng đó, hoạt động sản xuất và cung ứng năng lượng, đặc biệt là đối với điện và xăng dầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do biến động giá cả xăng đầu trên thị trường trong nước và quốc tế; tình hình thời tiết, thủy văn không ổn định gây ảnh hưởng đến cung – cầu về điện.

Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng đô la; xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI; một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Chưa kể, thị trường trong nước cơ bản phục hồi nhưng vẫn còn đối diện với áp lực tăng giá, lạm phát và các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ ngày 15/4/2023 đến 14/5/2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã đồng loạt ra quân kiểm tra 7.352 vụ, phát hiện, xử lý 4934 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách trên 57 tỷ đồng.

Trong nửa cuối năm, Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Song nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 với trọng tâm là 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và pháp luật. Hai là, triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Ba là, tập trung các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Giải đáp nhiều vấn đề báo chí quan tâm

Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến lĩnh vực quản lý của Ngành đã được giải đáp. Về câu hỏi liên quan đến việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Phạm Quỳnh Mai cho biết, theo số liệu của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào các nước thành viên mới của CPTPP đạt được tăng trưởng cao. Đồng thời nhấn mạnh, đây là Hiệp định tự do thế hệ mới, bao gồm các cam kết ở các lĩnh vực mà Việt Nam chưa cam kết bao giờ, như: mua sắm Chính phủ, cam kết trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại phát triển bền vững… Khi CPTPP có hiệu lực, với sự chủ trì của Bộ Công Thương và thông qua phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng đã đôn đốc các bộ ngành xây dựng nhiều văn bản pháp luật để thực thi CPTPP. Theo đó, cho đến nay, các bộ, ngành đã ban hành hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các cam kết của hiệp định này và cũng được các thành viên đánh giá cao trong việc Việt Nam rất nghiêm túc thực hiện các cam kết của CPTPP.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, CPTPP là hiệp định thế hệ mới, mức độ mở cửa cao nhất và mới nhất, vì vậy, hiệp định có sức hút mạnh mẽ và nhiều nước đang xin tham gia vào CPTPP. Tuy vậy, Thứ trưởng cũng lưu ý, việc tận dụng được các lợi thế trong hiệp định phải xuất phát từ các chủ thể, trong đó Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành khác chịu trách nhiệm công tác tuyên truyền; tiếp đến là trách nhiệm của các địa phương, từng vùng miền sẽ có cơ hội riêng và cần nắm bắt để khai thác các lợi thế đó.

Đối với câu hỏi của phóng viên về câu chuyện giá cước vận tải biển tăng cao thời gian qua, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin, việc tăng giá cước đã diễn ra từ lâu, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động và giải pháp khắc phục. Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan chủ trì nghiên cứu về việc tăng giá cước, phối hợp kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, triển khai các cuộc tọa đàm, cung cấp thông tin để lan tỏa đến các doanh nghiệp nhằm chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời Bộ cũng phối hợp với Bộ Tài chính, Hiệp hội logistics cùng trao đổi biện pháp xử lý kịp thờiThời gian tới Cục Xuất nhập khẩu sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ Công Thương trình Chính phủ Dự thảo quyết định của Chính phủ về Chiến lược phát triển logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm mục tiêu tạo sự ổn định, thống nhất trong lĩnh vực này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm tăng giá điện, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trước đây cơ sở chính sách để xem xét điều chỉnh giá điện là Quyết định số 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và đã có hiệu lực. Dựa trên nội dung nêu tại Quyết định 05, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho cho biết, nếu đủ cơ sở, yếu tố để giảm giá điện khi các chi phí đầu vào giảm 1% thì sẽ phải giảm ngay. Còn để tăng giá thì chỉ được tăng khi các khoản chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng tương ứng ở các mức 3%, 5% hay cao hơn nữa sẽ do từng cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh và theo chu kỳ 3 tháng một lần.

Liên quan đến vấn đề cung ứng điện, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết, về lâu dài, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng đã xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các Thông tư về khung giá lưới điện, chất thải, sinh khối… hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển các nguồn điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt trong thời gian tới.

Báo chí đồng hành cùng ngành Công Thương thực hiện các nhiệm vụ chung

Trong nửa cuối năm, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Song nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 với trọng tâm là 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và pháp luật. Hai là, triển khai các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng. Ba là, tập trung các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu và chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Cũng trong buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến các cán bộ, lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, cán bộ nhân viên công tác tại cơ quan báo, tạp chí, ngành Công Thương và các phóng viên báo, đài đã luôn đồng hành cùng ngành Công Thương trong thời gian qua, góp phần giúp ngành Công Thương, Bộ Công Thương hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ được giao.

Nhà báo Vũ Minh Hường - Trưởng phòng Thời sự của Truyền hình Quốc hội

Các nhà báo, phóng viên đã chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về công tác phối hợp truyền thông của Bộ Công Thương với các cơ quan báo chí trong thời gian qua. Nhà báo Nguyễn Xuân Hồng, Trưởng Phòng Thư ký tòa sọan Báo Điện tử Chính phủ và nhà báo Vũ Minh Hường - Trưởng phòng Thời sự của Truyền hình Quốc hội cho biết, thông tin từ ngành Công Thương luôn là một trong những chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của đông đảo phóng viên, nhà báo. Văn phòng Bộ Công Thương cũng như các đơn vị chức năng trong Bộ đã thường xuyên và kịp thời giải đáp những thắc mắc xung quanh những vấn đề nóng như xăng dầu, điện... Đồng thời mong muốn, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các phóng viên, nhà báo trong công tác thông tin, tuyên truyền.

Biên Tập viên Nguyễn Tiến Anh – Ban Thời sự (VTV1), Đài Truyền hình Việt Nam

Đồng tình với các ý kiến này, Biên Tập viên Nguyễn Tiến Anh – Ban Thời sự (VTV1), Đài Truyền hình Việt Nam nhận định, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý đa ngành - với nhiều lĩnh vực trọng yếu, phức tạp, nhạy cảm, các thông tin liên quan đến Ngành đều được công chúng rất quan tâm. Đồng thời đánh giá cao công tác phối hợp thông tin giữa Bộ Công Thương và Đài Truyền hình Việt Nam trong thời gian qua, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông đối với việc triển khai các kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ngành Công Thương. Bên cạnh đó, BTV Tiến Anh mong muốn công tác phối hợp sẽ ngày một tốt hơn nữa, để thông tin liên quan đến ngành Công Thương luôn được cập nhật nhanh - kịp thời - chính xác - nhằm giúp cho công tác điều hành của Chính phủ và công tác quản lý của Bộ Công Thương tốt hơn.

Ghi nhận các ý kiến của các nhà báo, phóng viên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong thời gian qua, báo chí đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc nêu ra những tấm gương điển hình để giúp các phong trào thi đua, sản xuất kinh doanh được biết đến và nhân rộng. Mặt khác, báo chí, truyền thông cũng giúp ngành Công Thương trong việc phát hiện ra những vấn đề và nội dung cần được đánh giá, xem xét để có thể đưa ra được những giải pháp xử lý đúng đắn, góp phần thúc đẩy và phát triển ngành Công Thương. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chia sẻ, thời gian tới, những nhiệm vụ của ngành Công Thương khá nặng nề, do vậy, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí để đạt được những kết quả đã được Chính phủ, Quốc hội giao.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các cơ quna báo chí, các phóng viên, nhà báo đã có nhiều đóng góp cho công tác truyền thông của Bộ Công Thương năm 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công Thương Việt Nam.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website