Hoạt động của Bộ Công Thương trong khuôn khổ Đoàn Đại biểu cấp cao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tham gia 2 Diễn đàn/Hội thảo lớn tại Anh và Pháp, các tọa đàm với các hiệp hội doanh nghiệp sở tại và cùng Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ hơn 60 lãnh đạo doanh nghiệp lớn hàng đầu châu Âu.
Phát biểu tại các Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương vui mừng thông báo những kết quả tích cực của Hiệp định EVFTA đối với thương mại – đầu tư song phương sau hơn 1 năm đi vào thực hiện (từ tháng 8/2020) với với những con số ấn tượng, bất chấp khó khăn và trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ những cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA. Đối với cộng đồng Pháp ngữ, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ và sẵn sàng phối hợp, đóng góp vào việc xây dựng thành công Chiến lược hợp tác kinh tế Pháp ngữ giai đoạn 2020-2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, ấn tượng nhất trong chuyến thăm và làm việc tại Anh và Pháp trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp là sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Theo đó, các tập đoàn kinh tế lớn ở hầu hết các lĩnh vực đã tìm đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành để gặp gỡ, bày tỏ ý tưởng và đề xuất với Chính phủ, với các bộ, ngành về những dự án mang tính chiến lược mà họ sẽ dự kiến triển khai.
Tại các buổi làm việc, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng đã giải đáp nhiều vấn đề được các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, thông tin thêm về môi trường và các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Đáp lại sự quan tâm của giới chủ doanh nghiệp về những ưu tiên trong việc hoạch định chính sách thương mại và công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẽ chủ động xây dựng thể chế để nâng cao nội lực của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đối số trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, thương mại và theo đuổi mô hình phát triển bền vững. Định hướng chính sách cho quá trình này bao gồm sản xuất xanh hơn, sạch hơn; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn; phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và các công nghiệp hỗ trợ đồng bộ hơn. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu xây dựng các dự án hợp tác phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp nêu trên của Việt Nam trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp châu Âu cũng hết sức ấn tượng với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, về việc Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương. Mặc dù, những cam kết này sẽ là những thách thức lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới, nhưng đây cũng có thể coi là thời cơ để thay đổi mô hình phát triển kinh tế, chuyển từ mô hình phát triển không bền vững, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, sang phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn.
Về vấn đề năng lượng, trước quan tâm của doanh nghiệp châu Âu đối với các dự án năng lượng tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định vấn đề an ninh năng lượng và phát triển năng lượng theo hướng bền vững luôn là một trong những mối quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam. Bộ Công Thương đã và đang xây dựng các chính sách, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo hướng xanh hơn. Trong đó, một mặt phát huy nội lực đồng thời tăng cường hợp tác, nhận hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào: Đảm bảo cân đối giữa nhu cầu sử dụng điện quốc gia với phát triển nguồn điện; Phát triển cân đối giữa các vùng miền để hạn chế thấp nhất chi phí đầu tư hệ thống truyền tải và tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện; Đảm bảo được các cam kết mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với các tổ chức quốc tế, nhất là vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hoan nghênh các cơ hội hợp tác mới phát triển các giải pháp công nghệ cao, hiện đại áp dụng cho các dự án năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và hệ thống điện quốc gia.
Bộ trưởng cũng cung cấp thông tin cập nhật về Quy hoạch Điện VIII được xem là một trong những quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, được Chính phủ đặc biệt quan tâm với mục tiêu “điện đi trước một bước, nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với chi phí tối ưu nhất cho nền kinh tế”.
Tại các diễn đàn, ngoài việc trả lời những câu hỏi của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định cam kết mạnh mẽ từ Bộ Công Thương trong việc phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành của Việt Nam và các cơ quan liên quan của phía EU xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho quá trình triển khai Hiệp định từ cả hai phía.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có các cuộc gặp gỡ riêng, cùng trao đổi với một số doanh nghiệp hàng đầu tại châu Âu về các dự án, ý tưởng kinh doanh, đầu tư các doanh nghiệp này định tiến hành trong thời gian tới tại Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn doanh nghiệp hai bên phát huy lợi thế, kết nối hợp tác để xây dựng và tham gia tích cực và hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại buổi tiếp xúc và làm việc riêng giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered Bank (SCB) và một số tập đoàn là đối tác khách hàng lớn của SCB, ông Jose Vinals, Chủ tịch SCB chia sẻ quyết tâm của SCB với nguồn lực dồi dào, kinh nghiệm và mạng lưới đối tác khách hàng rộng lớn, Standard Chartered sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam và coi Việt Nam là thị trường tiềm năng hàng đầu. Điều này sẽ giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo ra việc làm cho người lao động, và đóng góp nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn SCB, với những kinh nghiệm và khả năng của mình, thúc đẩy, tài trợ các dự án phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo… các lĩnh vực mà ngân hàng Standard Chartered Bank nắm rất rõ và có nhiều khách hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng năng lực, kết nối với các đối tác, tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp châu Âu, cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Pháp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao quyết định về chủ trương đầu tư Nhà máy điện BOT Sơn Mỹ 1 cho Tổ hợp nhà đầu tư EDF – một dự án có ý nghĩa lớn đối với sự hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp...
Hoạt động tiếp xúc với các Bộ/ngành đối tác tại các nước
Bên lề chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi thông tin sâu rộng về các vấn đề chính sách liên quan tới thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với các Bộ/cơ quan đối tác; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan hai bên để khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.
Ngày 3/11 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc riêng với Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, ông Frank Riester. Với việc EVFTA đã có hiệu lực, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp sẽ bước sang trang mới, đầy hứa hẹn và mở rộng. Hai Bộ trưởng mong muốn sẽ thúc đẩy mọi cơ hội hợp tác để tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên gấp đôi trong thời gian tới.
Để tận dụng hết lợi thế, vượt qua những khó khăn hiện tại, hướng tới phục hồi kinh tế hậu Covid-19, Việt Nam mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Pháp trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu cao như công nghiệp phụ trợ (đặc biệt là công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giầy, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao, năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghiệp nền tảng để tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp của Pháp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong lĩnh vực ô tô, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Pháp tại Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp – đặc biệt là các dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á; đồng thời tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Pháp.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư, nhất là tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại.
Ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tiếp Tổng giám đốc Cơ quan Thương mại – Đầu tư Pháp (Business France). Tại cuộc gặp Bộ trưởng ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp Pháp đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, mối quan hệ hợp tác song phương, và mong muốn thông qua Business France, tiếp tục có những hoạt động cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối, trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp tầm trung của Pháp và Việt Nam, theo các trục hợp tác ưu tiên.
Bộ trưởng mong muốn Business France tăng cường phổ biến cho các doanh nghiệp Pháp về định hướng và nhu cầu thu hút đầu tư của Việt Nam trong các ngành công nghiệp nền tảng, và đặc biệt là nhu cầu về công nghệ, máy móc của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước xây dựng được năng lực để vươn ra đầu tư, phát triển thị trường nước ngoài và đang rất quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Pháp trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp nền tảng, các ngành sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các giải pháp công nghệ tiên tiến… Do đó, Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới Business France sẽ có thêm các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực đầu tư vào thị trường Pháp và từ Pháp thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước EU.
Hai bên cũng thống nhất lên kế hoạch phối hợp chuẩn bị cho đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sang thị trường Pháp vào Quý 2 năm 2022.
Ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có buổi tiếp riêng lãnh đạo Ngân hàng đầu tư công Pháp (BPI France). BPI France là một cơ quan quan trọng trong các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển ở Pháp với khả năng tài chính lên tới 42 tỷ euro. Hiện nay, BPI có sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam và mong muốn thúc đẩy đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ chế biến thực phẩm mà các doanh nghiệp Pháp rất có thế mạnh và công nghệ và máy móc thiết bị; năng lượng.
Bộ trưởng đề nghị BPI tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để 2 bên cùng xây dựng một kế hoạch cụ thể, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thúc đẩy doanh nghiệp 2 nước cùng phát triển, trên cơ sở lợi ích cân bằng.
Việt Nam là nước có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu nông sản và đang rất cần công nghệ và thiết bị hiện đại từ Pháp. Chính vì lý do đó, Việt Nam mong muốn Pháp hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển công nghệ chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị BPI nghiên cứu thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghiệp nền tảng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, hóa chất và cơ khí, chế tạo là các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Pháp có rất nhiều lợi thế.
Ngoài ra, bên lề của Hội nghị COP26 tại Glasglow, Đại sứ Khí hậu Đan Mạch Tomas Anker và Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam Hoàng Tiến Dũng đã cùng công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2021. Bản báo cáo trình bày các kịch bản chuyển đổi xanh cho lĩnh vực năng lượng, bao gồm kịch bản Việt Nam có khả năng tiến gần tới mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero).
Hoạt động Xúc tiến thương mại, đầu tư
Ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cùng lãnh đạo Tập đoàn Carrefour cắt băng khai trương Tuần lễ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Carrefour. Việc Carrefour, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới của Pháp lần đầu tiên tổ chức Tuần hàng Việt Nam là một sự kiện rất có ý nghĩa đối trong việc thúc đẩy, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Pháp. Đây sẽ là cơ hội để hàng Việt Nam được tiếp cận, xuất hiện tới lượng khách hàng Pháp đầy tiềm năng của Carrefour và tạo tiền đề để có thể tổ chức các sự kiện Tuần hàng Việt Nam hàng năm trong hệ thống siêu thị Carrefour, góp phần tăng cường sự hiện diện hiện của hàng Việt Nam tại các siêu thị cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng chủ lực của Việt Nam sang Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đích thân giới thiệu cho lãnh đạo Tập đoàn Carrefour cùng các quan khách các sản phẩm độc đáo của Việt Nam như: cà phê, gạo thơm, bánh phở, nhãn sấy khô, thanh long, chanh leo, đồng thời trực tiếp hướng dẫn quan khách thưởng thức các món ăn đặc trưng của Việt Nam như: nem, trà, nước dừa, nước mía. Tuần hàng là một trong các nỗ lực của Chương trình đưa hàng Việt ra thế giới của Bộ Công Thương, quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm Việt Nam với người tiêu dùng tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.
Trao đổi cùng lãnh đạo Tập đoàn Carrefour cùng đông đảo khách hàng Pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sau khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020, cơ hội để sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng Pháp và châu Âu sẽ ngày càng lớn hơn. Bộ trưởng đánh giá cao mô hình liên kết 3 bên hoàn toàn mới giữa Nhà phân phối bán lẻ - Nhà nhập khẩu - và Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian qua, mô hình này đã giúp đưa được nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hơn, gần đây nhất quả vải vào một số chuỗi bán lẻ của Pháp.
Cũng trong ngày 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với một số Tham tán thương mại Việt Nam tại Khu vực EU.
Tại cuộc làm việc Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương các Tham tán thương mại thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho ngành công thương, đặc biệt trong công tác thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19.
Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; mở cửa từng bước, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng đề nghị các Tham tán thương mại tiếp tục tích cực tổ chức các hoạt động nhằm khai tác hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và sắp tới là Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước châu Âu; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp EU tiếp tục đa dạng hóa đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực các nước EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu cao như công nghiệp phụ trợ công nghiệp chế biến, chế tạo (đặc biệt là công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giầy, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm, năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), và công nghiệp nền tảng nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp EU phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương./.