A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng Hoa Kỳ

Ngày 13 tháng 9 năm 2023, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn dàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề “Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng Hoa Kỳ”. Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuỗi Sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” năm 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua nhiều bước phát triển mạnh mẽ như: ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000; Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR) năm 2006; Việt Nam gia nhập WTO năm 2006; hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) năm 2007; hai nước cùng tham gia tham vấn Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) vì sự thịnh vượng năm 2022.

Ngày 10 tháng 9 năm 2023 vừa qua, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và cho rằng, để có được những thành quả hợp tác kinh tế thương mại tốt đẹp như vậy phải kể đến phần lớn đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt chặng đường gần 30 năm qua.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến vững chắc của các nhà đầu tư trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác và khẳng định cam kết đầu tư lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Xu hướng này cũng sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung ứng một hay nhiều công đoạn trong chuỗi sản xuất của nhà đầu tư Hoa Kỳ, góp phần lan tỏa cho nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề: Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp – năng lượng Hoa Kỳ” được tổ chức với hy vọng tạo cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước chia sẻ, thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng, cơ hội cũng như đưa ra giải pháp, hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng thiết bị, nguyên vật liệu và linh kiện cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng Hoa Kỳ.

Sau các phiên tọa đàm theo chuyên đề là hoạt động kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp cung ứng thiết bị phụ trợ Việt Nam và các tập đoàn công nghiệp, năng lượng Hoa Kỳ như Boeing và AES.

Đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Maxime Dourdan - Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc - cho biết: từ tháng 7/2021, Boeing đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội và có nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu thị trường Việt Nam của các lãnh đạo doanh nghiệp nhằm mở rộng chuỗi cung ứng tại nước ta.

Trong thời gian tới, Boeing sẽ tập trung vào 3 định hướng chính, gồm: làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.

Ông Maxime Dourdan đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing cũng như cơ hội và khả năng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, sẽ giúp Boeing thực hiện thành công kế hoạch phát triển đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Đánh giá về cơ hội của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)- cho biết: Hiện nay trong lĩnh vực chế tạo, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, doanh nghiệp chỉ sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Tuy vậy thời gian gần đây, những yêu cầu của khách hàng về sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế ngày càng nhiều nên doanh nghiệp Việt đang tìm cách nâng cao năng lực.

Với ngành hàng không, bà Bình cho rằng, dù có một số doanh nghiệp có khả năng làm được những linh kiện nhỏ đơn chiếc cho Boeing nhưng thực tế tập đoàn này đã có chuỗi cung ứng hoàn thiện. Nếu so về các sản phẩm gia công hoàn toàn bằng máy móc, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản…

Tuy nhiên, ở các sản phẩm có sự gia công kết hợp máy móc và bàn tay của công nhân, kỹ sư, Việt Nam lại có lợi thế hơn về giá thành và chất lượng. Đây sẽ là ngách để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing.

Để chuỗi cung ứng của Boeing tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần có lộ trình, chiến lược dài hơn. Theo đại diện của Boeing khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu từ những thế mạnh của mình trước, bắt đầu tham gia từ các nhà cung cấp cấp 3, 4 trước cho các nhà cung cấp tuyến 1, 2 của Boeing rồi dần phát triển lên.


Tác giả: Phương Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website