A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được Hưng Yên ưu tiên phát triển

Những lĩnh vực này gồm cơ khí chế tạo, thiết bị điện - điện tử, dệt may - da giày, sản xuất và lắp ráp xe ô tô, công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, tỉnh Hưng Yên định hướng đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể:

Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo: Đến năm 2025, tỉnh định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng từ 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại.

Đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại.

Chuyện phải mất hơn... 48 năm để hỗ trợ, tư vấn cho toàn bộ doanh nghiệp

Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử: Tỉnh định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng từ 12 triệu - 15 triệu sản phẩm các loại. Đối với vật liệu điện tử, linh kiện nhựa, cao su, chi tiết cơ - điện tử các loại đạt sản lượng 70 - 85 nghìn tấn sản phẩm. Sản xuất pin cho máy tính và thiết bị di động đạt 01 - 1,2 triệu Kwh.

Đến năm 2030, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng từ 19-21 triệu sản phẩm các loại. Đối với vật liệu điện tử, linh kiện nhựa, cao su, chi tiết cơ - điện tử các loại đạt sản lượng 110 - 125 nghìn tấn sản phẩm. Sản xuất pin cho máy tính và thiết bị di động đạt 1,5 - 1,7 triệu Kwh.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may: Đến năm 2025, sản xuất xơ, sợi các loại đạt 30 - 40 nghìn tấn; vải dệt các loại đạt 65 - 70 triệu m2; chỉ thêu các loại đạt sản lượng 20-21 nghìn tấn; các sản phẩm cúc dập, khuy séc, nhãn mác, bao bì, giặt mài công nghiệp, vải bạt, dệt nhựa... đạt 100 - 150 triệu sản phẩm các loại.

Đến năm 2030, sản xuất xơ, sợi đạt 55 - 60 nghìn tấn; vải dệt các loại đạt 100 - 115 triệu m2; chỉ, thêu các loại đạt sản lượng 28 - 30 nghìn tấn; các sản phẩm cúc dập, khuy séc, nhãn mác, bao bì, giặt mài công nghiệp, vải bạt, dệt nhựa... đạt 230 - 235 triệu sản phẩm các loại. 

Vĩnh Phúc: Nhiều ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ da giầy:

Đến năm 2025, sản xuất đế, mủ giầy đạt 18,5 -20 triệu đôi; phụ liệu cho ngành giầy đạt 20 - 30 tấn sản phẩm.

Đến năm 2030, sản xuất đế, mũ giầy đạt 24,0 - 25,5 triệu đôi; phụ liệu cho ngành giầy đạt 50 - 60 tấn sản phẩm.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất và lắp ráp xe ô tô:

Đến năm 2025, sản xuất động cơ và chi tiết động cơ ô tô đạt 1 triệu - 1,2 triệu sản phẩm các loại; khung, thân, vỏ, cửa xe đạt 7.500 - 8.500 sản phẩm; dây điện, cụm điện các loại đạt 9 triệu - 10 triệu sản phẩm; linh kiện nhựa, cao su cho ô tô đạt khoảng 16 nghìn tấn.

Đến năm 2030, sản xuất động cơ và chi tiết động cơ ô tô đạt 1,8 triệu - 2 triệu sản phẩm các loại; khung, thân, vỏ, cửa xe đạt 15 nghìn - 17 nghìn sản phẩm; dây điện, cụm điện các loại đạt 17 triệu - 18,5 triệu sản phẩm; linh kiện nhựa, cao su cho ô tô đạt khoảng 25 nghìn tấn.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: Đến năm 2025, sản xuất được các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử, chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao, cơ khí chính xác để phát triển các thiết bị thông minh, thiết bị ngành y tế, rô bốt công nghiệp và phục vụ cho các ngành khác.

Đến năm 2030, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng; phần mềm và ứng dụng phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng; hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Những năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp Hưng Yên phát triển với nhiều chỉ tiêu chủ yếu đã đạt, gần đạt so với Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên tăng từ 8% đến trên 10%. Riêng năm 2019, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại với: công nghiệp - xây dựng chiếm 62,15%; thương mại và dịch vụ 29,41%; nông nghiệp - thủy sản 8,44%. Đồng thời, địa phương đã chủ động và tích cực trong công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu. Tổng thu ngân sách năm 2019 là 14.450 tỷ đồng, đạt 112,3% kế hoạch, tăng 9,2%.Trong đó, thu ngân sách từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 80% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Đây là nhân tố quyết định đưa tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách.
 
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ hơn nữa khi đại dịch Covid 19 đi qua, Sở Công Thương Hưng Yên cho biết đã và đang tham mưu với tỉnh thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với sản xuất và tiêu dùng bền vững; Đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Hoàn thành điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện mới và những quy định của Chính phủ, sát với thực tiễn của tỉnh, có tính khả thi cao; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp; Tích cực tìm kiếm, vận động, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín, kinh nghiệm để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch...


Tác giả: An Hạ

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website