Sáng nay, Quốc hội bắt đầu kỳ họp bất thường quyết định 4 nội dung cấp bách
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV khai mạc vào 9h sáng nay (4/1) và dự kiến bế mạc vào ngày 11/1/2022. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự phiên họp tại đầu cầu Nhà Quốc hội.
Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào 7h15, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào 8h cùng ngày, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Đúng 9h, Quốc hội họp Phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Theo kế hoạch làm việc, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 1 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết theo quy trình rút gọn tại 1 kỳ họp. Cụ thể, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự trình Quốc hội thông qua lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật nhằm tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Tháo gỡ một số khó khăn trong: triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi, góp phần tăng tỷ lệ thi hành án về tiền, tạo điều kiện rút ngắn thời gian, giảm bớt các chi phí và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án.
Bên cạnh đó là tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng, thừa nhận về mặt pháp luật cho hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; Khuyến khích thu hút vốn, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia…
Một nội dung rất quan trọng là Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chính sách hỗ trợ kịp thời, có sự đột phá và lan tỏa, triển khai nhanh, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 cũng như giai đoạn tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.
Quan điểm được nhấn mạnh là bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; Có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực; Được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa; Có thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế; Huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm…
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, nội dung bao gồm: quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Trước thực tế Cần Thơ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, việc thiết kế các cơ chế, chính sách đặc thù là rất cần thiết để thành phố thực sự trở thành trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như là “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long” trong thời gian không xa.
Nội dung cuối cùng được trình Quốc hội lần này chính là Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu đầu tư của Dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025./.