A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ 27/6/2022 đến 03/7/2022

Sáu tháng đầu năm 2022, lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Tuy nhiên, trong suốt 6 tháng đầu năm vừa qua, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã chủ trì/phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hoá trong nước thay thế nhập khẩu. Đồng thời, Bộ sẽ tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành thị trường trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.

Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương tổng hợp các hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 27/6/2022 đến ngày 03/7/2022 và gửi đến bạn đọc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tập đoàn Viettel: Định hướng hợp tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong thương mại và năng lượng

Ngày 30 tháng 6 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) về định hướng hợp tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực năng lượng và thương mại. Cùng tham dự buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Tập đoàn Viettel có Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Công Thương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận Bộ Công Thương và Tập đoàn Viettel có rất nhiều nội dung, dư địa để hợp tác cùng nhau phát triển. Công Thương là ngành có chức năng quản lý đa ngành kinh tế, bao gồm rất nhiều lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm và càng ngày đòi hỏi công tác quản lý càng phải được nâng cao. Ví dụ như là công nghiệp nền tảng không chỉ là cơ khí đơn thuần, cơ khí truyền thống mà cần lĩnh vực công nghệ rất hiện đại; trong thương mại trước đây là thương mại truyền thống, thì hiện nay cả thương mại điện tử.

Theo Bộ trưởng, đối với ngành Công Thương, chiến lược phát triển ngành đã rõ, nhưng để thực hiện được chiến lược phát triển ngành, một trong những giải pháp Bộ tập trung là chuyển đổi số. Song đến thời điểm này nếu chỉ dừng lại ở chuyển đổi số thì chưa đủ, phải bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong thời gian tới Bộ Công Thương và Tập đoàn Viettel sẽ xây dựng được một chiến lược hợp tác toàn diện hơn trên cơ sở các định hướng được nêu tại buổi làm việc.

Chi tiết xem tại đây

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tỉnh Đắk Nông

Chiều 1/7/2022, tại tỉnh Đắk Nông, Đoàn Công tác Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên tại tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chúc mừng những thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đã đạt được trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng, mặc dù tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn nhưng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Nút thắt hiện nay tỉnh Đắk Nông cần tháo gỡ đó là vấn đề quy hoạch chưa đồng bộ; thiếu nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; thiếu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị vùng Tây Nguyên và tỉnh Đắk Nông chú trọng hoàn thiện quy hoạch dựa trên quy hoạch ngành. Bên cạnh đó, cần phải có đề án chiến lược phát triển công nghiệp – thương mại để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trong quy hoạch công nghiệp – thương mại, Bộ trưởng mong muốn, đối với công nghiệp tỉnh Đắk Nông phải xác định phát triển công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp dược liệu, công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thủy sản. Trong lĩnh vực thương mại, chú ý phát triển hạ tầng thương mại để khai thác thương mại truyền thống và hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử - giúp Đắk Nông đi tắt đón đầu.

Chi tiết xem tại đây

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi thư chúc mừng nhân kỷ niệm 65 năm Truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường

Nhân kỷ niệm 65 năm truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường (03/7/1957 - 03/7/2022), thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên gửi tới các thế hệ công chức, người lao động công tác trong lực lượng Quản lý thị trường cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Toàn văn Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên xem tại đây

Hoạt động của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội tới Hungary

Từ ngày 25-28/6/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã tháp tùng Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary.

Bên cạnh những hoạt động chính thức của Đoàn như Hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hungary, tham dự Tọa đàm lập pháp và một số hoạt động khác, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã tham dự Tọa đàm Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam – Hungary được tổ chức vào chiều ngày 27/6/2022.

Dự Tọa đàm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Csaba Hende, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và kinh tế đối ngoại Hungary Peter Andras Sztaray, đại diện các cơ quan Quốc hội, Chính phủ của hai nước và khoảng gần 100 doanh nghiệp Hungary và Việt Nam.

Tại phiên thảo luận của Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã điểm qua tình hình thương mại giữa hai nước đồng thời cho rằng dư địa cho hợp tác thương mại giữa 2 nước còn rất nhiều; Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với Quốc hội, Chính phủ Hungary để tạo ra khung pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh còn tham gia trả lời một số câu hỏi của các doanh nghiệp Hungary liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và kinh tế số và một số vướng mắc của doanh nghiệp Hungary khi hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.

Chi tiết xem tại đây

Các hoạt động của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội tới Vương Quốc Anh

Từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã tham gia tháp tùng Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Vương Quốc Anh. Bên cạnh những hoạt động chính thức của Đoàn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã tham dự Tọa đàm bàn tròn kinh tế, giáo dục Việt Nam – Scotland và tháp tùng Chủ tịch Quốc hội tham dự Diễn đàn cấp cao Việt Nam – Vương Quốc Anh về Kinh tế và Thương mại.

Tọa đàm bàn tròn kinh tế, giáo dục Việt Nam – Scotland diễn ra vào sáng ngày 29/6/2022 có sự tham gia của Phó Thủ hiến Scotland, Bộ trưởng phụ trách phục hồi hậu COVID-19 John Swinney, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, các lãnh đạo thành phố Cần Thơ, tỉnh Quảng Bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục của Việt Nam và Vương quốc Anh.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ triển vọng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh. Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, hay còn gọi là Quy hoạch điện 8 với trọng tâm ưu tiên phát triển các nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi v.v... Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam đang nghiên cứu, đề xuất luật hoá việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Trong lĩnh vực này, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các đối tác và các nhà tài trợ quốc tế về công nghệ cũng như nguồn vốn ưu đãi. Đây là cơ hội để Việt Nam và Vương quốc Anh có thể tăng cường hợp tác.

Chi tiết xem tại đây

Khóa họp lần thứ VII Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Cộng hòa Séc

Ngày 29 tháng 6 năm 2022, tại Praha đã diễn ra khoá họp lần thứ VII - Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, đồng chủ tịch Uỷ ban liên Chính phủ phía Việt Nam làm trưởng đoàn cùng các thành viên đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các Bộ và doanh nghiệp Việt Nam. Cùng tham dự các hoạt động của đoàn còn có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng và cán bộ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam. Về phía Cộng hòa Séc do ngài Petr Třešňák - Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn cùng các quan chức đại diện các Bộ, Cơ quan xúc tiến thương mại  Séc và thành viên đại diện cho doanh nghiệp Cộng hòa Séc.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chúc mừng Cộng hòa Séc trờ thành Chủ tịch Hội đồng EU trong 6 tháng cuối năm 2022 và mong muốn phía Séc hỗ trợ để các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Việc EVIPA sớm có hiệu lực sẽ tạo nên khung khổ pháp lý đầy đủ hơn cho việc bảo hộ các nhà đầu tư EU tại Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác với EU, Việt Nam mong muốn EU sớm xóa bỏ thẻ vàng theo quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không bá cáo và không tuân thủ quy định (IUU) do các doanh nghiệp Việt Nam đã có những cải thiện căn bản, nhằm tuân thủ các quy định của EU trong lĩnh vực đánh bắt hải sản. Đồng thời, mong muốn Cộng hòa Séc - với vai trò là Chủ tịch Hội đồng châu Âu sẽ thúc đẩy các trao đổi về sửa đổi danh sách gạo thơm của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA để tạo điều kiện cho việc thực thi hiệu quả, thiết thực các cam kết đã có.

Chi tiết xem tại đây

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Ngày 27/6, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tiếp và làm việc với Ông Orlando Nicolas Hernandez Guillen, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, với nền tảng là quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Cuba năm 2021 đã có bước phát triển tích cực trong bối cảnh khó khăn và thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Orlando Nicolas Hernandez Guillen đã trực tiếp trao cho Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thư của Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba mời Bộ Công Thương Việt Nam tham dự Hội chợ Quốc tế La Habana lần thứ 38 dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 11 năm 2022. Đại sứ đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam tại các kỳ Hội chợ và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tham dự vào sự kiện lần này. Hai bên nhất trí trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Cuba sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai các biện pháp hiệu quả, thực chất, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của cả hai bên và thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai nước.

Chi tiết xem tại đây

Xác định lộ trình cho chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 29/6, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Đoàn nghiên cứu, khảo sát thực tế, tọa đàm, trao đổi khoa học tại Bộ Công Thương, nhằm mục đích nắm bắt thông tin, quan điểm của Bộ về thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian vừa qua, cũng như các đề xuất của Bộ Công Thương trong thời gian tới. GS.TS.Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đồng chủ trì tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Đại hội III đến nay. Qua 35 năm kiên trì thực hiện mục tiêu này, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, và “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”. Do đó, trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Chi tiết xem tại đây

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Turkmenistan

Ngày 28 tháng 6 năm 2022, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Vepa Hajiyev, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao CH Turkmenistan.

Tại buổi làm việc, hai Bên đã trao đổi về tình hình chung trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Turkmenistan. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Việt Nam và Turkmenistan có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều thập kỷ qua. Tháng 7/2022 tới đây, hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù vậy, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Turkmenistan vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, thể hiện ở việc kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn còn rất khiêm tốn và cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai Bên còn hạn chế. Thứ trưởng nhận xét dư địa hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn do đó đề nghị hai Bên cần tích cực hơn nữa trong công tác thông tin thị trường, nghiên cứu giới thiệu doanh nghiệp hai nước tham gia vào các hội chợ, triển lãm để tăng cường kết nối, giao thương, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Chi tiết xem tại đây

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới

Sáng ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới. Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường, bà Lê Việt Nga - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các sở, ngành, hiệp hội, hội; các tổ chức kinh tế, thương mại; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.

Chi tiết xem tại đây

Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường

Ở Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế công nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, lên các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Trong tình hình này, ngành công nghiệp môi trường trở thành lĩnh vực được quan tâm và chú trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia đi kèm với bảo vệ môi trường. Trước thực tế đó, Đảng, Chính phủ đã đưa ra các quy định chi tiết về phát triển ngành công nghiệp môi trường để hiện thực hóa ngành công nghiệp môi trường trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Các văn bản quy định về bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, thay thế. Luật bảo vệ môi trường 2020 đã được ban hành để thay thế Luật bảo vệ môi trường 2014.  Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020, trong đó Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể về công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Kể từ khi có  Luật Bảo vệ môi trường (2014), ngành công nghiệp môi trường được nhìn nhận như một ngành kinh tế gồm sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường; dịch vụ công nghiệp môi trường (thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, phân tích…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Chi tiết xem tại đây

Giá xăng dầu đồng loạt giảm trong kỳ điều hành ngày 1/7/2022

Do thời gian vừa qua, Quỹ BOG đã được sử dụng liên tục để bình ổn giá xăng dầu trong nước nên số dư Quỹ BOG còn lại ít, tại nhiều doanh nghiệp Quỹ BOG đã bị âm. Kỳ điều hành lần này, giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng giảm nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định ngừng chi Quỹ BOG đối với 02 loại dầu diesel và dầu hỏa, đồng thời bắt đầu trích lập Quỹ BOG đối với một số loại xăng dầu tiêu dùng không nhiều.

Thị trường xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành vừa qua tiếp tục biến động và vẫn chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị, lạm phát do nhiều nước đưa ra các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ. Đầu kỳ giá xăng dầu tăng do các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp từ Nga tiếp tục được áp dụng nghiêm khắc, OPEC+ quyết định tăng sản lượng khai thác nhưng không nhiều, bất ổn chính trị tại Libya, thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran không tiến triển… gây lo ngại cho nguồn cung. Tuy nhiên, đến những ngày gần đây, khi Mỹ công bố sản lượng xăng dầu dự trữ tăng cùng với nhu cầu xăng dầu tại Mỹ giảm do giá cao và quan điểm đánh đổi tăng trưởng để kiểm soát lạm phát (khiến kỳ vọng nhu cầu giảm) nên giá xăng dầu đã có xu hướng giảm trở lại.

Chi tiết xem tại đây

Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BCT ngày 27/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá. Thông tư này quy định nguyên tắc, trình tự và thủ tục phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường (đường tinh luyện và đường thô) có mã HS 17.01 theo phương thức đấu giá.

Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường (đường tinh luyện và đường thô) có mã HS 17.01 theo phương thức khác được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Chi tiết xem tại đây

Dự thảo Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 3174/BCT-ĐB ngày 8/6/2022 về việc xin ý kiến về dự thảo Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương. Ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó giao Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) hàng năm của các địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương.

Cụ thể, Bộ Công Thương thực hiện khảo sát với khoảng 1.650 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, trong đó 67,78% công ty TNHH, 20,36% công ty cổ phần, 10,49% doanh nghiệp tư nhân, và 1,47% các loại hình khác. Đa số các doanh nghiệp phản hồi khảo sát là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng số phản hồi.

Chi tiết xem tại đây

Họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 6: Không để thiếu hàng, sốt giá các mặt hàng thiết yếu

Không để thiếu hàng, sốt giá các mặt hàng thiết yếu, kể cả xăng dầu là nội dung chính tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 6 diễn ra sáng 29/6. Báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước do bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng quản lý cung cầu – Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) báo cáo tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 6 cho thấy, thị trường hàng hóa trong nước thời gian qua vẫn chịu tác động mạnh mẽ của những biến động về địa chính trị, nguồn cung cũng như giá cả hàng hóa trên thế giới.

Ở thị trường trong nước, tháng 6, thời tiết đã vào mùa nắng nóng, là thời gian học sinh đã nghỉ hè nên nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tăng mạnh. Lưu thông hàng hóa trên thị trường vẫn diễn ra sôi động và gần như không còn bị hạn chế của dịch bệnh Covid-19. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm, giá hàng hóa chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá trên thị trường thế giới và chi phí đầu vào tăng.

Bộ Công Thương cũng chủ trì/phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hoá trong nước thay thế nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành thị trường trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Tổ Điều hành trong nước đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch của Chính phủ.

Chi tiết xem tại đây

Thực trạng và khuyến nghị chính sách phát triển chợ đô thị tại Việt Nam

Nhằm huy động những đóng góp kỹ thuật của các chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về phát triển và quản lý chợ truyền thống Việt Nam, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chính sách phát triển chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam và góp ý Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ” từ 28 – 29/6/2022 tại Ninh Bình.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã rà soát, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị định về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng: giải quyết ngay các vấn đề cấp bách trong công tác phát triển và quản lý chợ, tạo điều kiện cho các địa phương kịp thời tận dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho công tác đầu tư phát triển chợ, bảo đảm tính đồng bộ ngay cả trong trường hợp có sự thay đổi của các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và đã nhận được 83 ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo 3 Nghị định về phát triển và quản lý chợ.

Chi tiết xem tại đây

Các hoạt động xúc tiến thương mại

Tuần lễ hàng và ẩm thực Việt Nam tại Anh

Nằm trong chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của Bộ Công Thương, ngày 26/6, Chương trình Tuần lễ hàng và ẩm thực Việt Nam tại Anh năm 2022 đã khai mạc tại Siêu thị Longdan ở thị trấn Crawley, cách London khoảng 45km.

Chương trình nhằm quảng bá tới người tiêu dùng và các nhà bán lẻ tại Anh các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao đang được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA).

Cắt băng khai mạc Tuần lễ hàng hóa và ẩm thực Việt Nam tại Anh năm 2022 (Ảnh: TTXVN)

Chương trình Tuần lễ hàng và ẩm thực Việt Nam tại Anh năm 2022 được diễn ra từ ngày 26/6 đến 3/7, sự kiện do Thương vụ-Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức với sự phối hợp của Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh (VBUK) và hai tập đoàn Longdan và EUTEK Group.

Chi tiết xem tại đây

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam - Liên bang Nga

Thương mại hàng dệt may giữa Việt Nam và Liên bang Nga còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để cung cấp các sản phẩm với chất lượng cao và giá cả phù hợp với thị trường Nga. Nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga, ngày 28/6/2022, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Phòng Thương mại và Công nghiệp Primorye và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị, giao thương trực tuyến Việt Nam – Liên bang Nga: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực dệt may.

Phát biểu khai mạc, Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương - nhấn mạnh, Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam – Liên bang Nga: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực dệt may là một trong những hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga kết nối, trao đổi trực tuyến về khả năng hợp tác, kinh doanh, tiến tới giao dịch trực tiếp trong điều kiện cho phép.

Chi tiết xem tại đây

Thái tử kế vị và Công nương Đan Mạch dẫn đầu phái đoàn các doanh nghiệp Đan Mạch trong lĩnh vực tăng trưởng xanh sẽ thăm chính thức Việt Nam

Mục tiêu chính của chuyến thăm Hà Nội ngày 1-2/11/2022 của Thái tử kế vị và Công nương Đan Mạch là thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điện gió và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Trong chuyến thăm này, Thái tử kế vị và Công nương cùng phái đoàn doanh nghiệp Đan Mạch sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp, cũng như tham dự các hội thảo về chuyển đổi xanh và thăm các dự án năng lượng. Chuyến thăm này là một phần của hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đan Mạch và Việt Nam. Hai nước Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị hợp tác song phương lâu dài và gần gũi, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Hiện nay, Chính phủ Đan Mạch cùng nhiều công ty Đan Mạch đang tích cực hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh.

Chi tiết xem tại đây

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khởi động chương trình Quảng bá Việt Nam với tên gọi “Việt Nam đến với bạn”

Quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu trong hai ngày 14 và 16 tháng 6 năm 2022 về việc tăng cường quảng bá Việt Nam tại các nước sở tại, kết nối chuỗi cung ứng, tìm đầu vào chất lượng cho các ngành công nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã thành công trao đổi với Chính quyền Bỉ để Việt Nam được làm đối tác quảng bá duy nhất tại Hội nghị Tham tán Thương mại các Vùng của Bỉ trong thời gian từ ngày 20 đến 28 tháng 6 năm 2022 với chương trình “Việt Nam đến với bạn” – “Vietnamese Road Show”.

Chương trình khởi động với gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Xuất khẩu bên lề Hội nghị Tham tán Thương mại của Vùng Flander, tập trung giới thiệu cho doanh nghiệp Bỉ về văn hóa, du lịch, hàng xuất khẩu Việt Nam. Cũng trong đợt hội chợ  này, Thương vụ đã phối hợp với Liên minh Bỉ - Việt tổ chức hội thảo mang tên “Việt Nam: Điểm đến xanh”.  Chủ đề hội thảo tập trung vào kêu gọi thu hút đầu tư , hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, kết nối chuỗi logistics, hợp tác cảng biển hiện đại.... Đây là những thế mạnh của Bỉ và cũng phù hợp với chiến lược cân bằng carbor của Việt Nam theo chương trình nghị sự của COP26. Chương trình đã vinh dự được đón ông Andries Gryffoy, Phó Chủ tịch Thượng viện Bỉ, kiêm Chủ tịch Liên minh Bỉ - Việt, ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ đến thăm quan và khai mạc. Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp Bỉ đã đến thăm gian hàng của Việt Nam và dự hội thảo.

Chi tiết xem tại đây

Bất chấp cước phí cao, vải Việt Nam cấp tập bay đến Úc

Sau các hoạt động xúc tiến, và cam kết của Thương vụ trong việc quảng bá,  vải Việt Nam đang cấp tập đến Úc với chất lượng cao, được kiểm tra thông quan theo tiêu chuẩn khắt khe của Úc.

Nhằm quảng bá vải, Thương vụ Viêt Nam tại Úc đang tổ chức tuần lễ vải Việt Nam với nhiều hoạt động xúc tiến. Trong kế hoạch hành động, Thương vụ chủ trương hỗ trợ đưa nông sản chất lượng cao vào Úc với giá  thành tương xứng. Để thực hiện việc này, bên cạnh xây dựng thương hiệu quốc gia, việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là đòn bẩy gắn trách nhiệm nhà phân phối với chất lượng sản phẩm.

Chi tiết xem tại đây

Gạo Việt Nam lần đầu tiên được bày bán trên thị trường Nhật Bản

Ngày 1/7/2022 tại Tokyo, sự kiện quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam lần đầu tiên được bày bán tại thị trường Nhật Bản được tổ chức bởi Liên minh Ngân hàng Kiraboshi, Công ty Suntomi Internatianal, Công ty Spice House và Tập đoàn Tân Long, với sự bảo trợ của Bộ Công Thương Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tập đoàn Nikkoku Trust.

Sự kiện nhằm mục đích quảng bá hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam lần đầu tiên được bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản; phổ biến thông tin rộng rãi đến cộng đồng người Việt Nam tại Nhật nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Nhật Bản; thúc đẩy mối quan hệ giao thương giữa doanh nghiệp hai nước và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức Việt Nam – Nhật Bản vào năm 2023.

Chi tiết xem tại đây

Tuần hàng Việt Nam 2022 tại Hệ thống Siêu thị AEON Nhật Bản

“Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON tại Nhật Bản” là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Aeon Nhật Bản tổ chức.

Tuần hàng Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 7 tại Trung tâm thương mại Aeon Lake Town Mori, tỉnh Saitama và tại tất cả các siêu thị, cửa hàng bán lẻ (GMS) thuộc hệ thống Aeon tại Nhật Bản. Đây là một trong những chương trình được đánh giá mang tính hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài” của Bộ Công Thương. Thông qua Đề án, nhiều loại sản phẩm Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn đã được Aeon nhập khẩu và được đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống của Aeon.

Chi tiết xem tại đây

Triển lãm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại Ecuado

Ngày 23 tháng 6 năm 2022, tại thành phố Guayaquil, Cộng hòa Ecuador, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Chile, kiêm nhiệm Ecuador đã tham dự Lễ Kỷ niệm 133 năm thành lập Phòng Thương mại Guayaquil, Ecuador. Phòng Thương mại Guayaquil là Phòng Thương mại lớn nhất Ecuador với số thành viên lên tới 10.000 thành viên. Hoạt động này thu hút được hơn nghìn doanh nghiệp tham dự cùng với Thương vụ các Đại sứ quán, Lãnh sự các nước tại Ecuador.

Trong khuôn khổ sự kiện, Thương vụ Việt Nam tại Chile kiêm nhiệm Ecuador đã cùng các nước đã tổ chức triển lãm hàng hóa xuất khẩu của nước mình.  Các doanh nghiệp Ecuador đã được giới thiệu nhiều mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, tập trung vào các ngành như thực phẩm, giày dép, dệt may…Nhiều doanh nghiệp Ecuador tỏ rõ sự quan tâm với cơ hội hợp tác với doanh nghiệp ta trên các lĩnh vực: hàng tiêu dùng, sản phẩm may mặc, da giày, đồ dùng thể thao, sản phẩm nông sản chế biến,bao bì, giấy, đồ chơi trẻ em, máy móc phục vụ nông nghiệp…

Chi tiết xem tại đây

Tìm kiếm cơ hội xuất nhập khẩu và đầu tư với thị trường Nam Phi

Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2022, dự kiến từ ngày 6 - 15/9/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Johannesburg, Pretoria, Durban và Capetown (Nam Phi).

Theo số liệu Thống kê Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Nam Phi năm 2021 đạt 1,27 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi là 847 triệu USD (tăng 24,3% so với năm 2020) và nhập khẩu là 426,5 triệu USD (giảm gần 40% so với năm 2020). Một số mặt hàng Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu cao và ổn định sang Nam Phi là điện thoại di động, giày dép, máy vi tính, hạt tiêu, hàng dệt may… Theo Cục Xúc tiến thương mại, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia là năng lực sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp; năng lực giao dịch thương mại quốc tế của nhân sự tham gia Đoàn; ngành hàng phù hợp với mục tiêu Chương trình Đoàn; mục tiêu tham dự của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; hồ sơ đăng ký tham dự nộp đúng hạn quy định.

Chi tiết xem tại đây


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website