A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

11 tháng năm 2022: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6%

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2022 của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%).

Theo báo cáo, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 còn 50,6 điểm trong tháng 10, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), đơn hàng ít hơn dự kiến khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng từ tháng 10...

Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%), đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 6,5%, đóng góp 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 24%; Hà Tĩnh giảm 16,9%).

Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 31%; sản xuất trang phục tăng 16,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 18,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 10,4%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7%; sản xuất kim loại giảm 2,6%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 11 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước như: bia các loại tăng 34,9%; ô tô tăng 17,3%; xe máy tăng 10,8%; quần áo mặc thường tăng 8,4%; giầy dép da tăng 9,7%; thuốc lá bao các loại tăng 9,1%. Ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 11 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước như: quặng aptit giảm 11,4%; sắt thép thô giảm 16,6%; điện thoại di động giảm 6,1%; ti vi giảm 0,6%; động cơ diezen giảm 22,4%; máy công cụ giảm 12,7%.

Nhận định sản xuất công nghiệp đang đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), doanh nghiệp giảm doanh thu, cắt giảm giờ làm, giảm lao động; rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp trước mắt là tháo gỡ về vốn, khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh; kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng… như thời kỳ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Cụ thể, rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất; tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kích cầu đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, đồng thời có các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…

Đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt các Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Quy hoạch ngành quốc gia (Quy hoạch điện 8; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản…) làm căn cứ để thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, dự án sản xuất công nghiệp, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản… tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu và tạo việc làm cho xã hội.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website