A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp

Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, đứng thứ nhất cả nước.

Từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công ghiệp theo hướng hiện đại. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt 13,9%/năm); GRDP năm 2021 gấp 23,8 lần năm 1997 (năm 2021 tăng 6,9%, đứng thứ 13 cả nước); quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2021, khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 77,3%, dịch vụ 16,1%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 2,7%,…

Quy mô công nghiệp tăng nhanh đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Tỉnh đã thành lập 16 khu công nghiệp tập trung với diện tích 6398ha. Năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1000 lần so với năm 1997, đứng thứ nhất cả nước.

Bắc Ninh là một tỉnh được hình thành lâu đời gắn liền với nền văn minh sông Hồng. Từ thời Nhà nước Văn Lang - Nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam, Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra quyết định phê chuẩn việc tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Từ ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Đến nay, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài; với 126 xã, phường, thị trấn.

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, đã bứt phá mạnh mẽ, quy mô kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Năm 2021, quy mô GRDP (theo giá so sánh) đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước, tăng 6,9% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước. Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách được vận dụng linh hoạt đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997-2021 kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,89%/năm. Phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước

Đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt, có 10 khu đã đi vào hoạt động; thành lập 31 cụm công nghiệp, 21 cụm đã đi vào hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh.

Giá trị sản xuất (giá so sánh) công nghiệp năm 2021 đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1000 lần năm 1997 và vươn lên vị trí thứ nhất cả nước. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử đã tăng lên 79,3%.

Công nghiệp hỗ trợ từng bước phát triển, hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; thị trường hàng hóa và dịch vụ mở rộng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn; Hoạt động ngoại thương có bước đột phá.

Kinh tế đối ngoại là điểm sáng với việc thu hút vốn đầu tư từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 44,9 tỷ USD, chiếm 13,4% cả nước tương đương với TP HCM.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và đẩy nhanh tiến độ quá trình đô thị hoá. Triển khai xây dựng và hoàn thành nhiều công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Diện tích nhà ở đạt 35 m2/người (cao hơn mức 26 m2 bình quân cả nước). Bộ mặt đô thị tạo nhiều điểm nhấn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp và hiện đại, tạo nền tảng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong 25 năm, tổng vốn đầu tư phát triển đã huy động được 768.000 tỷ đồng, bằng 43,2% GRDP, đã góp phần tạo ra hai bước "đột phá" về phát triển kinh tế (năm 2013 quy mô GRDP đã vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng, năm 2019 đạt mốc 200.000 tỷ đồng).

Hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút vốn đầu tư đạt nhiều thành tựu và có bước phát triển nhảy vọt. Thu hút được vốn của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, như: Samsung, Canon, Hồng Hải, Nokia-Microsoft,... Tính đến hết năm 2021, Bắc Ninh đã có 1.780 dự án FDI (còn hiệu lực) được cấp phép với tổng vốn đầu tư 21,1 tỷ USD (năm 1997 là 1 triệu USD); xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố về số dự án và xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số vốn đăng ký. Hiện nay, có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh.


Tác giả: An Bình

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website