A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải bài toán cạnh tranh về giá đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Sản phẩm có giá thành cao là thách thức lớn của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác trên thị trường; đồng thời doanh nghiệp trong nước không sản xuất được cụm linh kiện hoặc sản phẩm hoàn chỉnh mà sản xuất linh kiện rời.

Sản phẩm khó cạnh tranh

Theo thống kê của Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, từ đầu năm tới nay, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp FDI cũng bị suy giảm đơn hàng, trung bình khoảng 20%. Suy giảm này không chỉ đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu mà đến cả từ việc các doanh nghiệp tăng đơn hàng trong năm 2022, nhưng sang năm 2023 tiêu thụ khó khăn nên tồn kho cao.

Hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Dù vậy, những công ty có năng lực tốt, bao gồm có hệ thống quản trị tốt, tiêu chuẩn quốc tế, giá cả cạnh tranh, chất lượng đáp ứng thì năm nay có thêm đơn hàng mới, nhưng con số này chiếm tỷ lệ rất ít.

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù các doanh nghiệp nội địa đã và đang gia tăng sự xuất hiện trong chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân do doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu và khó nhất là giá thành cao khiến sản phẩm khó cạnh tranh được với các nước khác như Trung Quốc.

Mặt khác, dù các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã rất nỗ lực để liên kết, thành lập nhóm để sản xuất các cụm linh kiện hoàn chỉnh, nhưng vẫn thiếu rất nhiều linh kiện trong hệ sinh thái để hoàn thiện cụm đó với giá thành đáp ứng được yêu cầu từ người mua. Rất nhiều phần linh kiện phải nhập khẩu từ bên ngoài với chi phí cao, do đó, hầu hết doanh nghiệp sản xuất linh kiện rời.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phân tích: Nếu so với Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN, nguyên vật liệu chúng ta không chủ động bằng họ vì các nước khác có nền chế tạo mạnh hơn, sản lượng lớn nên giá thành sản phẩm rẻ hơn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp của nước ngoài sản xuất đã lâu, hết khấu hao, trong khi doanh nghiệp Việt Nam hầu hết còn rất trẻ nên chi phí khấu hao lớn. Đồng thời, hệ thống quản trị sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chưa được tối ưu hoá. Phần chi phí bị đội cao hơn so với những doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm lâu năm.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí của các nước cũng tốt hơn Việt Nam rất nhiều, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tới 10-20% nên sự bất lợi của doanh nghiệp Việt Nam là rất rõ ràng.

Cần chính sách hỗ trợ về thuế, phí

Tại các diễn đàn, hội thảo về phát triển công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đều mong muốn có nguồn vốn với lãi suất hợp lý; chính sách cho vay với doanh nghiệp làm CNHT cũng phải linh hoạt, không đánh đồng với các doanh nghiệp ngành nghề khác.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ về thuế và phí để nâng cao sức cạnh tranh về giá cả

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CNHT thành phố Hà Nội Nguyễn Vân kiến nghị: các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành CNHT được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài bởi nhiều doanh nghiệp CNHT phải đầu tư 2 - 3 năm, thậm chí 5 - 10 năm mới có lãi.

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, cần phải có chính sách tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp CNHT bởi thực sự các chính sách hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; chính vì vậy, khi xây dựng luật, Cục Công nghiệp sẽ chú trọng vấn đề như chính sách thuế, trong đó, sẽ có chính sách kích cầu cấp bù lãi suất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CNHT Hà Nội cũng nhận định, hiện không ít doanh nghiệp CNHT nhỏ và vừa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị và nhân lực để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các doanh nghiệp đối tác và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp này chưa gặp được nhau nên cần sự kết nối với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, trong đó vai trò quan trọng nằm ở các hiệp hội ngành nghề.

Từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách phát triển CNHT được Chính phủ, Bộ Công thương ban hành nhằm thúc đẩy ngành CNHT. Tuy nhiên chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo. Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành…

Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng cho biết, năm 2023, Cục Công nghiệp sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật cần có thời gian xây dựng và hoàn thiện nên để đáp ứng công tác quản lý Nhà nước, hỗ trợ phát triển ngành, Cục sẽ xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai hiệu quả chương trình phát triển CNHT, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.


Tác giả: Hà Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website