Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tự chủ sản xuất
Về lâu dài, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tăng tính tự chủ nguyên vật liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Giá trị gia tăng thấp do phụ thuộc nguồn nguyên liệu
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.
Cục Công nghiệp chỉ ra, trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP (giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác).
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi hàm lượng giá trị gia tăng nội địa còn thấp và chưa có nhiều chuyển biến đáng kể. Đơn cử, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước lần lượt chỉ là 50% và 37%. Ngoài ra, việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước cũng chỉ rõ một "điểm yếu" lớn của kinh tế Việt Nam, đó là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài.
Thực trạng yếu kém trên không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. “Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn” - đại diện Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước
Trước thực trạng trên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ phải từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.
Nêu bật giải pháp, Cục Công nghiệp cho hay, trước hết cần nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Ðỗ Thắng Hải cho rằng, để nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, điều kiện tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển. Từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.Tuy nhiên, nhà nước cũng cần tích cực mở rộng thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp CNHT, cùng với đó sẽ tiếp nhận quy trình kỹ thuật và kỹ năng sản xuất từ nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Theo đó sẽ nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Trương Thị Chí Bình – Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - đề xuất, về lâu dài Chính phủ có thể ban hành Luật công nghiệp hỗ trợ, Luật Phát công nghiệp trọng điểm để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
Cùng với đó, Bộ Công Thương triển khai hỗ trợ xây dựng, định hướng, phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Đồng thời, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hiệu quả và phát triển một số dịch vụ ứng dụng công nghệ cao có chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao