A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp ô tô trong bối cảnh thực thi các FTA?

Hiện nay Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA và được thế giới công nhận là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường.

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu sản xuất thay thế nhập khẩu và từng bước tiến tới xuất khẩu. Trong quá trình phát triển, ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia và cam kết.

Biến chủng delta và những cú sốc của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu năm

Chia sẻ tại tọa đàm “Công nghiệp ô tô Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?” được diễn ra cách đây không lâu, TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô trong nước cần thay đổi triệt để mới có thể theo kịp các quốc gia trong khu vực.

Lưu ý về các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, TS Lê Huy Khôi cho biết, đối với các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang áp thuế 0% đến hết năm 2027 đối với các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong quan hệ với Hàn Quốc, theo Nghị định số 125/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều mặt hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được áp thuế suất 0% kể từ năm 2022.

Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm dần từ năm 2022 đến năm 2027...

Với các cam kết khá mạnh trong lĩnh vực sản phẩm ô tô, linh kiện, phụ tùng, đặc biệt là cam kết về thuế quan, EVFTA được cho là sẽ tác động mạnh tới ngành ô tô Việt Nam khi thực thi các cam kết.

Theo đó, các cơ hội đối với ngành ô tô gồm: Cơ hội nhập khẩu sản phẩm ô tô, phụ tùng, linh kiện chất lượng, công nghệ cao từ EU với giá thấp hơn, góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ hội xuất khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy mà Việt Nam có thế mạnh có thể trở thành đối tác đầu tư liên doanh, hoặc nhà cung cấp cho các nhà đầu tư EU sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường trong nước và khu vực…

Bà Nguyễn Ánh Tuyết - Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cũng bày tỏ, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia là một cơ hội rất lớn cho thị trường ôtô để có thể đa dạng hóa sản phẩm và mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng Việt Nam. Trong thực tế, ngay sau khi cam kết bỏ thuế xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia ASEAN như Thái Lan và Indonesia và đã được thay thế bởi sản phẩm nhập khẩu.

Cũng theo bà Nguyễn Ánh Tuyết, nhờ việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với lộ trình giảm mạnh thuế nhập khẩu. Cụ thể, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm khoảng 6,4%/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Dự kiến đến năm 2030, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ EU xuống còn 0%.

Điều này cũng làm các doanh nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam ngày càng gặp nhiều áp lực để duy trì sản xuất và duy trì được thị phần trong các phân khúc đang có hiện diện.

Ở khía cạnh khác, ông Dương Bá Hải, Phó Trưởng phòng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu-Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mở, đã gia nhập 17 hiệp định song phương, đa phương, trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTTP, EVFTA,… là những hiệp định quan trọng, giúp doanh nghiệp mở cửa thị trường, đa dạng hoá thị trường, trong đó có các doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô.

Tuy vậy, độ mở của thị trường rất lớn nhưng công nghiệp ô tô của Việt Nam đa phần còn non trẻ, chịu nhiều cạnh tranh của các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài... đồng thời vẫn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, trong đó có các chính sách về thuế, phí và lệ phí để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, Chiến lược cải cách hệ thống thuế và thông lệ quốc tế.

Các chính sách này đã có tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và với ngành công nghiệp ôtô nói riêng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS. Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương lưu ý, cần nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) bảo đảm khả thi và ổn định lâu dài, phù hợp với các cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành ô tô Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các cam kết trong các FTA, chuẩn bị các điều kiện để tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự docũng như sẵn sàng cho tương lai cạnh tranh khi hết lộ trình bảo hộ thuế quan. Việt Nam có thể hình thành một số trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.

Ghi nhận các ý kiến từ phía các doanh nghiệp, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước bày tỏ đồng tình về sự cần thiết của các biện pháp hỗ trợ thích hợp; đồng thời cho biết các bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp ban hành chính sách phù hợp với tiến trình phát triển của ngành.


Tác giả: Hương Nguyễn

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website