A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Ngành dệt may Việt Nam đối mặt với yêu cầu số hóa và xanh hóa

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đang triển khai Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, với mục tiêu chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ năm 2031-2035, ngành sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia vào các vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may hiện nay chỉ đạt khoảng 40-45%, với ngành vải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu. Sản lượng vải may trong nước đạt khoảng 2,3 tỷ m²/năm, chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu của thị trường trong nước. Một trong những nguyên nhân chính là công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành dệt may chưa phát triển đủ mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất bông, sợi, và nhuộm. Các doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu vải để phục vụ sản xuất.

Một vấn đề lớn khác đối với CNHT ngành dệt may là công nghệ nhuộm vải và công tác xử lý môi trường chưa được chú trọng đúng mức. Điều này đã kìm hãm sự phát triển của ngành dệt nhuộm, hạn chế các khoản đầu tư vào sản xuất vải trong nước và các sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu tập trung vào công đoạn may gia công, khiến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong sản phẩm dệt may còn rất thấp.

Trong phân xưởng sản xuất sơ mi của May 10

Để giải quyết những thách thức này, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng một Trung tâm sản xuất, lưu trữ và kinh doanh nguyên liệu thô dành cho ngành công nghiệp dệt may và giày dép. Dự kiến, trung tâm sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025, với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong nước. Trung tâm này không chỉ cung cấp nguyên liệu mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc vật liệu, đảm bảo tính minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam.

May 10 liên kết chuỗi cung ứng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường

Liên kết phát triển CNHT ngành dệt may là hướng đi bài bản,
căn cơ của May 10

Theo báo cáo của Vitas, trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ việc chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước đến trở thành một trong ba quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Thặng dư thương mại của ngành dệt may trong năm 2024 đạt tới 19 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động, đồng thời giúp tăng thu ngân sách cho các địa phương và góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đứng trước yêu cầu số hóa và xanh hóa trong sản xuất, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh: “Bên cạnh việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, việc khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong ngành là vô cùng quan trọng. Chính phủ cần tạo cơ chế để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính phục vụ đầu tư công nghệ mới, như các khoản vay ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn thuế. Cùng với đó, việc thành lập quỹ đổi mới công nghệ và cung cấp dịch vụ tư vấn, đánh giá công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến, cải thiện hiệu quả sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh”.

Bà Tâm cũng cho rằng việc khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới thành công sẽ tạo động lực lớn, không chỉ nâng cao năng suất mà còn giúp ngành dệt may Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về môi trường và công nghệ, từ đó hướng đến phát triển bền vững.

Với việc chú trọng vào chuyển đổi công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngành dệt may Việt Nam sẽ không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Qua đó, ngành sẽ góp phần quan trọng trong quá trình xanh hóa và số hóa nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu toàn cầu, đồng thời xây dựng một môi trường sản xuất bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển lâu dài của đất nước.


Tác giả: Hiền Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website