Ngành chế biến sữa đứng trước cơ hội và thách thức trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu ÂU (EVFTA) được đánh giá sẽ giúp ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh, trong đó ngành sữa được củng cố vị thế trên sân nhà, hưởng lợi theo hướng tích cực trong dài hạn.
Giữ thị trường trước áp lực từ Hiệp định EVFTA
Hiệp định EVFTA sau 4 năm thực thi (1/8/2020 - 1/8/2024), là một hiệp định mang tính bước ngoặt đã trở thành chất xúc tác quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sau 4 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực ước tính khoảng trên 200 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 12-15% và là nước xuất siêu vào EU. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất siêu sang EU đạt 32 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Sữa là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhất ở châu Âu. Theo công bố của Statista, năm 2024, sản lượng sữa từ châu Âu chiếm khoảng 36% tổng sản lượng sữa trên thế giới, tiếp theo là châu Đại Dương với 24% thị phần. Chuỗi giá trị ngành công nghiệp sữa tại châu Âu đã được hình thành và phát triển từ lâu, tạo nên một hệ sinh thái kinh tế hiệu quả. EU đã ưu tiên bảo hộ ngành sữa nội khối và ban hành các quy định về tổ chức thị trường chung ngay từ những năm 1960, nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững cho ngành này.
Rất ít quốc gia có thể xuất khẩu sữa vào châu Âu, và khu vực này cũng đang áp dụng triệt để các biện pháp bảo hộ, cũng như hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ ngành sữa trong khối. Hiện nay, châu Âu chưa cấp phép nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Việt Nam.
Hiệp định EVFTA mở ra cả cơ hội và thách thức cho ngành sữa Việt Nam. Các doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH True Milk), Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood hiện đang cung cấp sản phẩm chất lượng cao và giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, với việc EVFTA xóa bỏ thuế nhập khẩu sữa trong vòng 3-5 năm tới, các doanh nghiệp sữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ đến từ EU, khi mà họ có thể dễ dàng thâm nhập vào thị trường trong nước.
Một thách thức lớn mà ngành sữa Việt Nam đang phải đối mặt là chất lượng sữa tươi nhập khẩu thường được người tiêu dùng đánh giá cao hơn. Các sản phẩm sữa từ các quốc gia như Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đã có mặt rộng rãi tại thị trường Việt Nam, tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các sản phẩm nội địa.
Những lợi thế của doanh nghiệp sữa nội địa
Ở chiều ngược lại, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước châu Âu với giá trị đạt đạt 181,77 triệu USD, chủ yếu từ các nước như Ireland, Đức, Hà Lan, Pháp và Ba Lan. Sản phẩm Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là sữa gầy (skimmend milk powder), bột whey, bơ, pho mát.
Theo các quy định tại Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa từ EU sẽ được giảm dần theo lộ trình từ mức 5 - 15% về mức 3,5-0% với nhiều mặt hàng như sữa và kem, chưa cô đặc và chưa pha thêm đường hoặc các sản phẩm có chứa thành phần tự nhiên của sữa… Điều này được nhận định sẽ tác động tới các doanh nghiệp sữa Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt gia tăng cạnh tranh trên sân nhà về nguyên vật liệu.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, châu Âu chiếm 20-25% giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam trong những năm qua (chiếm 21,9% trong 9 tháng đầu năm 2024). Việc giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ góp phần cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sữa. Cụ thể, đối với Vinamilk, với tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu khoảng 10%, chủ yếu là bột sữa gầy và bột sữa chưa tách béo, việc giảm thuế suất từ 5% xuống 2,2% ngay từ đầu năm 2020, và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn sau năm 2022 theo cam kết của EVFTA, sẽ trực tiếp tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Để ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ sữa nhập khẩu, các doanh nghiệp sữa nội địa của Việt Nam đã chủ động chuẩn bị từ lâu. Các công ty đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa danh mục hàng hóa. Vinamilk đã tung ra thị trường các sản phẩm cao cấp như sữa tươi hữu cơ (organic milk), chủ động nhập khẩu sữa tươi từ châu Âu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. NutiFoods cũng đã cho ra mắt các sản phẩm sữa tươi có thành phần dinh dưỡng tương đương với sữa tươi nhập khẩu.
Bên cạnh đó, mặc dù thuế nhập khẩu đã giảm, nhưng chi phí vận chuyển và bảo quản vẫn khiến giá thành của các sản phẩm sữa nhập khẩu cao hơn đáng kể so với sản phẩm nội địa, thường chênh lệch khoảng 30% trở lên. Do đó, nhóm khách hàng chính của các sản phẩm này chủ yếu tập trung vào phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao, sinh sống ở các đô thị.
Các doanh nghiệp sữa của Việt Nam hiểu rõ người tiêu dùng nội địa hơn, do đó, có thể tung ra thị trường những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người Việt, kể cả những sản phẩm cao cấp. Hơn nữa, sản phẩm sữa nội địa dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi hơn nhờ hệ thống phân phối rộng khắp. Còn các sản phẩm sữa nhập khẩu thường chỉ bán ở những nơi như siêu thị lớn hoặc trên không gian thương mại điện tử.
Ngoài ra, doanh nghiệp sữa nội địa có chuỗi cung ứng ngắn hơn đáng kể, giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm từ nhà máy đến tay người tiêu dùng chỉ trong khoảng thời gian tính bằng tuần. Ngược lại, đối với hàng hóa nhập khẩu, quá trình này thường kéo dài tính bằng đơn vị tháng trở lên. Ưu thế này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm có yêu cầu khắt khe về thời gian bảo quản và độ tươi mới như sữa tươi hay sữa chua.
Cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu dự kiến sẽ gia tăng mạnh mẽ nhất trong nhóm mặt hàng như bột whey, bơ và phô mai khi thuế nhập khẩu hiện đang ở mức 10-20% được giảm dần về 0%. Mặc dù vậy, do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, thị trường các sản phẩm này vẫn còn khá nhỏ, ước tính chỉ đạt khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng không phải là phân khúc mà các doanh nghiệp sữa nội địa đang tập trung đầu tư vào thời điểm hiện tại.
Dư địa lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững
Vào tháng 4/2024 vừa qua, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn văn Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển ngành sữa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Theo đó, Việt Nam chỉ mới đáp ứng 35-40% nhu cầu sữa trong nước, dư địa tăng trưởng thị trường sữa trong nước vẫn còn lớn. Định hướng trong tương lai là phát triển bền vững ngành sữa Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến sữa trở thành ngành có công nghệ hiện đại với cơ cấu ngành đồng đều, sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Cũng theo Dự thảo Đề cương, nếu như năm 2015, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 34% nhu cầu sữa chế biến, thì đến năm 2020, con số đó đã là 38%. Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người cũng có sự gia tăng đáng kể, lần lượt là 16 kg/người/năm lên 20 kg/người/năm và hơn 24 kg/người/năm vào các năm 2015, 2020 và năm 2022. Nhiều thương hiệu sữa đã được người tiêu dùng tin dùng như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH True Milk), Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk)… Sản phẩm của một số doanh nghiệp ngành sữa không những được tiêu dùng và có uy tín ở thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang thị trường gần 50 nước trên thế giới.
Đàn bò sữa hữu cơ của trang trại của Tập đoàn TH được nuôi theo chuẩn organic "4 không - 1 tốt” của châu Âu
Đáng chú ý, các doanh nghiệp ngành sữa đã chủ động, sáng tạo tìm hướng đi thích hợp như đầu tư công nghệ mới, thiết bị dây chuyền sản xuất chế biến hiện đại cùng với hệ thống phân phối thông minh để tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao và có uy tín đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Ngành sữa ngày càng khẳng định vai trò trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh thực phẩm cho nước nhà.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland từ ngày 1 - 3/10/2024 vừa qua của Tổng Bí thư Tô Lâm, trao đổi với truyền thông Việt Nam, bà Pippa Hackett - Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland đánh giá: “Việt Nam đang có những cơ hội tăng trưởng quan trọng, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa chất lượng cao, cùng với nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại thịt gia súc cao cấp mang lại tiềm năng đáng kể cho các nhà xuất khẩu Ireland”.
Theo bà Pippa Hackett, ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam, đặc biệt là ngành sữa, đang bước vào một giai đoạn phát triển đầy hứa hẹn. Đây cũng là thời kỳ chuyển mình của thị trường khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đòi hỏi sự đa dạng và đổi mới trong sản phẩm, đi đôi với những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và tính bền vững. Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland bày tỏ sự lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, dựa trên xu hướng tiêu dùng ngày càng cao cấp của người Việt Nam, dựa trên sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu.
Bên cạnh đó, từ công nghệ sinh học đến công nghệ số, các doanh nghiệp sữa Việt Nam đang tận dụng tối đa những tiến bộ của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu phân phối sản phẩm cuối cùng.
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bên cạnh EVFTA, Việt Nam cũng tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia/New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại hàng hoà ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu (VN-EAEU). Nhờ các hiệp định thương mại, doanh nghiệp sữa sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Đồng thời, Chương trình sữa học đường triển khai trên toàn quốc sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Cũng theo Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển ngành sữa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với định hướng phát triển bền vững, ngành công nghiệp chế biến sữa trở thành ngành có công nghệ hiện đại với cơ cấu ngành đồng đều, sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục mở rộng, đầu tư xây mới trang trại và quy mô đàn bò sữa theo hướng hiện đại, khép kín để nâng cao tỷ lệ nguyên liệu trong nước, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, giảm dần tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu. Điều này, một mặt sẽ tạo nên sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sữa trong nước, mặt khác lại tạo động lực để các doanh nghiệp nội địa cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất nhằm sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao hơn và giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh.