Bộ Công Thương tập huấn truyền thông về xuất xứ hàng hóa
Chiều 21/9, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức buổi Tập huấn truyền thông “Hiểu thế nào về xuất xứ hàng hóa?” dành cho đối tượng phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông. Sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các FTA.
Buổi Tập huấn bao gồm 5 chuyên đề: Giới thiệu sơ bộ về khái niệm và vai trò của xuất xứ hàng hóa trong các cam kết hội nhập; Phân biệt xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; Một số cách xác định hàng hóa có xuất xứ; Hiểu thế nào về vận dụng ưu đãi từ các FTA thông qua xuất xứ hàng hóa và Tình hình thực thi xuất xứ hàng hóa từ khi có các FTA thế hệ mới.
Khai mạc buổi Tập huấn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, cùng với tiến trình hội nhập, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Từ kết quả của quá trình hội nhập, hoạt động xuất nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2020, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng 7%, trong đó có 32 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Cơ cấu thị trường cũng đã trở nên đa dạng hơn, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu cũng tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh, trong các FTA, cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa đóng một vai trò quan trọng, không chỉ đơn thuần là việc xác định quốc gia, nơi sản xuất hàng hóa, mà xuất xứ hàng hóa còn là điều kiện cần thiết để các mặt hàng có thể được hưởng ưu đãi thuế quan, qua đó, gia tăng năng lực cạnh tranh và xâm nhập thị trường.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, xuất xứ hàng hóa cũng trở thành một công cụ, trở thành lá chắn để các quốc gia sử dụng để bảo hộ sản xuất trong nước, ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bất hợp pháp. Sự xuất hiện của ngày càng nhiều các bài viết liên quan đến xuất xứ hàng hóa trên các phương tiện truyền thông cho thấy sự quan tâm của xã hội nói chung và các cơ quan báo chí nói riêng đối với chủ đề này.
Thông tin cụ thể về khái niệm và vai trò của xuất xứ hàng hóa trong các cam kết hội nhập, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ, xuất xứ hàng hóa gắn liền quốc tịch để kiểm tra xem hàng hóa đến từ đâu và hàng hóa này sẽ được xác định theo từng quốc gia, vùng lãnh thổ - nơi hàng hóa được sản xuất.
Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định rõ “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ - nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.
Như vậy, cùng một mặt hàng do một nhà máy sản xuất, khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng là khác nhau.
Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu) Trịnh Thị Thu Hiền
Bà Trịnh Thị Thu Hiền dẫn chứng, với hàng dệt may trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, khi xuất khẩu sang Singapore thì quy tắc xuất xứ chỉ cần là vải. Nghĩa là vải được nhập khẩu từ các nước khác, ngoài khu vực ASEAN, sau đó công đoạn cắt may được thực hiện tại Việt Nam thì hàng hóa đó được coi là có xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng lô hàng đó, nếu xuất khẩu đi EU thì chưa chắc đã được coi là đáp ứng xuất xứ, bởi quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA là từ vải trở đi. Có nghĩa là công đoạn dệt vải, công đoạn cắt may phải được thực hiện tại các nước thành viên trong Hiệp định. Đây là quy tắc xuất xứ hai công đoạn.
Cũng vẫn lô hàng trên, nếu xuất khẩu sang Canada theo Hiệp định CPTPP thì quy tắc xuất xứ lại chặt còn chặt chẽ hơn nhiều từ sợi trở đi. Đây là quy tắc xuất xứ ba công đoạn: công đoạn xe sợi, dệt vải và cắt may đều đồng thời được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định.
Do vậy, bà Trịnh Thị Thu Hiền khuyến cáo, các doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất phải tìm hiểu thật kỹ quy định xuất xứ hàng hóa của từng thị trường xuất khẩu, theo từng cam kết để có thể đáp ứng, tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Trả lời câu hỏi “Tại sao có xuất xứ hàng hóa?”, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho rằng, quy tắc xuất xứ được xây dựng lên để đảm bảo hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA mà các nước tham gia. Ví dụ, trong EVFTA, EU và Việt Nam dành cho nhau ưu đãi thuế quan với điều kiện hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định.
Cụ thể, với mặt hàng thịt bò, trong trường hợp chúng ta xuất-nhập khẩu mặt hàng này từ các nước không có chung cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế với Việt Nam, thì mặt hàng này sẽ chịu thuế suất nhập khẩu thông thường là 45%; trong trường hợp xuất-nhập khẩu từ các nước là thành viên của WTO cùng với Việt Nam thì thuế áp dụng là 30%; trong trường hợp nhập từ Úc, trong khuôn khổ Hiệp định ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) thì thuế suất là 10%; trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) thì thuế suất là 5%; trong khuôn khổ EVFTA thuế suất là 0%.
Cùng một mặt hàng thịt bò, nếu áp dụng theo các cam kết khác nhau thì thuế quan ưu đãi cũng khác nhau. Thuế quan khác nhau đòi hỏi những mặt hàng này cần đáp ứng quy tắc xuất xứ khác nhau trong khuôn khổ tương ứng, bà Hiền lưu ý.
Sơ lược về tình hình thực thi xuất xứ hàng hóa từ khi có các FTA thế hệ mới, ông Vũ Hùng Thịnh - Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường FTA truyền thống tăng mạnh từ 72,26 tỷ USD lên 117,86 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch cấp C/O ưu đãi là 26,45 tỷ USD ở năm 2016 và tăng lên 43,12 tỷ USD vào năm 2018.
Ở giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và kim ngạch cấp C/O sang các thị trường truyền thống có phần chững lại. Cụ thể, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt 118,41 tỷ USD và đạt 120,80 tỷ USD ở năm 2020. Đối với kim ngạch cấp C/O, năm 2019 đạt 46,12 tỷ USD và đạt 47, 82 tỷ USD vào năm 2020.
Lý giải về sự chững lại, ông Vũ Hùng Thịnh cho rằng, do các thị trường có FTA truyền thống đã đi vào ổn định, mức cắt giảm thuế quan ở các thị trường này đã đi vào chiều sâu, gần như ở mức từ 0-5% ở hầu hết các mặt hàng. Do vậy, không có nhiều biến động về tăng trưởng xuất khẩu cũng như kim ngạch cấp C/O.
Đối với các thị trường FTA mới, ông Vũ Hùng Thịnh nhận định, với các thị trường mới của Việt Nam như Canada, Mehico, EU…, cơ cấu mặt hàng đều không thay đổi đối với từng nước. Tất cả các mặt hàng được cấp C/O ưu đãi có kim ngạch xuất khẩu cao đều là những mặt hàng có thế mạnh của Việt nam như: dệt may, da giày, thủy sản, vali túi xách, gỗ, sản phẩm nhựa…
Buổi tập huấn nằm trong chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các FTA do Bộ Công Thương tổ chức. Thông qua tập huấn, Bộ Công Thương hy vọng phóng viên các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp và người dân sẽ hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, về vai trò xuất xứ hàng hóa trong các cam kết hội nhập.